Nói chuyện bối cảnh thì chắc là bắt đầu từ tiêu chuẩn, tại vì tiêu chuẩn ngành, về mặt pháp lý là phản ánh được trình độ của ngành đấy. BIM Level 2 của UK tuân theo nhiều tiêu chuẩn (xem f), một số tiêu chuẩn chính mình đã giới thiệu cao cao ở các bài ở trển :
1. PAS 1192-2 2. PAS 1192-3 3. PAS 1192-4 4. PAS 1192-5 5. BIM Protocol 6. GSL (Government Soft Landings) 7. Digital Plan of Work 8. Classification
Ở đây mình chỉ xinh bàn thêm một chút về bối cảnh và cách thức thực hành thì các tiêu chuẩn BIM này.
Nói chung các tiêu chuẩn và hướng dẫn về BIM này được biên soạn với mục tiêu giảm thiểu tác động của nó lên các phương thức thực hiện hiện tại của ngành xây dựng của họ. Điều này được khẳng định trong PAS 1192-2, chương 4 nếu bạn nào chú ý. Ví dụ nó không ảnh hưởng đến cách thức quản lý dự án đầu tư xây dựng hay các hình thức hợp đồng, chuyển giao dự án đang được triển khai trong ngành xây dựng. Nôm na là ai làm Thiết kế – Đấu thầu – Thi Công hay Thiết kế – Thi Công hay IPD hay … thì mặc, các tiêu chuẩn này áp dụng được hết, tức là BIM ứng dụng được hết.
Trong một dự án xây dựng, các tài liệu này sẽ được thêm vào dưới hình thức là các phụ lục hay các hướng dẫn với mục tiêu là hỗ trợ triển khai dự án chất lượng hơn, đặc biệt về khía cạnh quản lý và chuyển giao thông tin của dự án.
Không chỉ ở UK mà các nước khác cũng thế, các tiêu chuẩn và hướng dẫn của họ đều mang tính can thiệp hàng ngang, bổ sung vào cách vận hành dự án hiện tại. Vậy á, viết thế để khẳng định là BIM có thể áp dụng được cho tất cả các hình thức triển khai dự án. Với lại cũng để bình thường hóa BIM đi cho mọi người dễ hình dung chứ toàn nghe là ứng dụng BIM làm thay đổi toàn bộ ngành xây dựng, là thuốc thần, là 4.0 bla bla bla… thì cao xa quá, mấy cái đó nó có thể đúng trong tương lai nhưng hiện tại thì chắc là chưa, ta cứ cải tạo thực tế cho tốt hơn cái đã rồi cái gì đến sẽ đến…
Trên tinh thần tích hợp và tinh chỉnh vào cách vận hành hiện tại của nền xây dựng, các tiêu chuẩn và hướng dẫn BIM của họ được soạn thảo dựa trên ba lớp thực hành chính, như vẫn đang diễn ra trong ngành xây dựng (hay cũng cho nhiều ngành khác) hiện tại vậy, ba lớp cụ thể từ vĩ mô ngành xây dựng đến vi mô của từng dự án, rất là đơn giản như dưới đây: * Lớp 1 : Hoạt động tổng quan của ngành xây dựng – Quy trình quản lý ngành/nhà nước/hiệp hội
Lớp 2 : Hoạt động/chiến lược của các công ty – Quy trình của các nhà thầu/tư vấn/chủ đầu tư…
Lớp 3 : Hoạt động triển khai của dự án cụ thể – vai trò của chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan (nhà thầu thiết kế và nhà thầu thi công)
Ba lớp hoạt động được trình bày theo thứ tự cấp bậc để phản ảnh mức độ “cụ thể hóa tăng dần cho dự án” của từng lớp. Mình giới thiệu qua ba lớp và sẽ quay lại chi tiết cho các lớp trong các bài tiếp theo.
Hoạt động chung của ngành xây dựng: Đây là các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục ở mức độ quản lý nhà nước, hay các hướng dẫn của các hiệp hội nghề nghiệp được sử dụng chung/phổ biến để tổ chức/quản lý các hoạt động ngành như hiện tại. Sau đấy, dựa vào bộ tiêu chuẩn này, các tổ chức liên quan sẽ biên soạn các hướng dẫn nội bộ của mình cho phù hợp với môi trường sản xuất. Ví dụ cho Lớp này là luật xây dựng về quản lý dự án đầu tư xây dựng hay các luật hướng dẫn về các hình thức hợp đồng trong ngành xây dựng… Ví dụ ở UK thì có RIBA Plan of Work 2013, là hướng dẫn ngành để các bên đồng ý ai làm gì và như thế nào khi triển khai dự án hay ở quê ta thì có thể liệt kê Luật xây dựng hay nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng kiểu kiểu như thế.
Hoạt động/chiến lược của công ty: Là tập hợp các quy trình, thủ tục, chiến lược riêng của từng công ty dùng cho các hoạt động của mình. Ví dụ cho lớp này là các Quy trình kiểm soát chất lượng, Quy trình mua sắm, Quy trình quản lý tài chính, Chiến lược BIM, Quy trình quản lý/vận hành công trình, Đạo đức trên thương trường, bla bla bla… của từng công ty. Chắc chắn chuyện tổ chức lại công ty để tham gia vào cuộc BIM đồng thời không làm xáo trộn các hoạt động hay mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là một chuyện hệ trọng. Nếu bạn nào còn nhớ thì phần liên quan đến BIM là tập hợp các tài liệu để triển khai BIM mình hay gọi là “BIM trong nhà” như các bài ở trên.
Hoạt động triển khai dự án: Đây là các hoạt động triển khai dự án cụ thể của các bên tham gia dự án, khi các đơn vị ứng dụng các Tiêu chuẩn ngành (Lớp 1) và Quy trình của công ty (Lớp 2) để thực hiện dự án. Các hoạt động này mang tính “chi tiết và phù hợp hơn” cho từng dự án. Ví dụ cho lớp này là các hợp đồng tư vấn, hợp đồng thi công, các bước triển khai dự án của từng đơn vị, vẽ revit hay cad thế nào… được tùy biến để triển khai dự án.
Việc hiểu rõ ngữ cảnh của các tiêu chuẩn, hướng dẫn và mục đích của từng tài liệu, để biết mình ở đâu, làm gì và tránh ôm đồm là cần thiết cho tất cả các cá nhân tham gia triển khai dự án sử dụng BIM, như mình và phần lớn các bạn ở đây, “Biết để phối hợp”. Điều này cũng đúng cho cả những cá nhân chỉ ứng dụng BIM trong việc quản lý bảo trì dự án và đặc biết đúng cho các bạn chịu trách nhiệm làm chiến lược BIM cho đơn vị của mình
Hồi xưa bắt đầu “BIM cho người mới học” bằng cái hình về vòng đời công nghệ thì bay giờ mình sẽ bắt đầu các bài mới với 2 cái hình dưới đây. Mình nghĩ các bài viết tiếp theo sẽ xoay quanh hai hình vẽ này.