Bài viết tiếp nối phần 1 trong series về BIM cho người mới làm của fb page thuvienbim.
Ok, vậy là xong sơ sơ một chuyện cần phải có tiêu chuẩn hoặc/và hướng dẫn từ nhà nước hoặc/và các tổ chức nghề nghiệp. Ngoài yếu tố kỹ thuật, đó còn là một sự bảo đảm. Dĩ nhiên soạn hướng dẫn hay tiêu chuẩn thì khó rồi, các bạn cứ xem các Nhóm soạn thảo – Work Group – viết tắt là WG ở các hình ở trên thì thấy, có đến mười mấy WG và toàn là cây đa cây đề ở trỏng.
Hôm qua mình thấy “Bộ hướng dẫn tạm thời áp dụng BIM cho giai đoạn thí điểm” của VN mới được thông qua trên trang http://bim.gov.vn. Dĩ nhiên nội dung thì chắc chắn là có nhiều điều phải thêm vào và điều chỉnh tại vì như tiêu đề đã nói, hướng dẫn tạm thời và cho thí điểm. Từ một hướng dẫn đến tiêu chuẩn theo mình là một quảng đường dài dài để đi, thậm chí có nhiều hướng dẫn chẳng bao giờ trở thành tiêu chuẩn
Bởi thế, mình nghĩ các bạn trẻ quan tâm đến BIM cũng nên đọc qua và trên trang bim.gov.vn cũng để chế độ mở nên có ý kiến gì thì vào đấy đóng góp ý kiến. Theo mình đấy là một cách đối xử văn minh với học thuật và hợp lý với đồng nghiệp để cùng phát triển.
Thôi dong dài chuyện tiêu chuẩn quá, quay trở lại chuyện chính là giải thích các tài liệu của bộ hướng dẫn triển khai đặt trong bối cảnh 3 lớp hoạt động ngành của UK. Trước hết là “Lớp 1 – Hoạt động tổng quan của ngành xây dựng”.
Lớp này liên quan đến các hoạt động, thủ tục được hay các tiêu chuẩn chung được sử dụng trong từng ngành nghề cụ thể. Ví dụ khi bạn muốn tham gia vào hoạt động xây dựng thì ra ngoài tiệm mua mấy quyển liên quan đến luật xây dựng, đấu thầu… về đọc để biết ngành xây dựng nó hoạt động thế nào. Hay muốn trở thành ca sĩ thì cũng phải mua các hướng dẫn về ăn mặc này nọ khi biểu diễn, ví dụ thế
Đấy là các tiêu chuẩn trên kệ sách của nhà nước, sau đấy là đến các thói quen hay hướng dẫn làm nghề của các tổ chức/hiệp hội nghề nghiệp. Ví dụ như Hội kỹ sư kết cấu có cái hướng dẫn hành nghề kỹ sư kết cấu chẳng hạn, đấy là mình đoán đại thế chứ không biết có không
Ở quê ta các Hiệp hội có vẻ ít xuất bản các tài liệu kỹ thuật phục vụ cho hội viên của mình hoạt động. Mình google thì chỉ thấy điều lệ hội thì nhiều chứ không thấy xuất bản kỹ thuật của các hội là mấy.
Ở UK thì các hội nghề nghiệp phát triển rất mạnh và các hoạt động nghề phụ thuộc nhiều vào các xuất bản của các hiệp hội nghề nghiệp này. Ví dụ rõ nhất trong ngành kiến trúc – xây dựng là các dự án xây dựng phần lớn đều triển khai theo “RIBA Plan of Work”, là tài liệu xuất bản của Viện Kiến Trúc Sư Hoàng Gia Anh (Royal Institute of British Architects). Dĩ nhiên mình hoạt động ở Việt Nam thì không cần biết cụ thể nội dung của cái “RIBA-Plan of Work” để làm gì, nhất là ở đây là dành cho người mới học. Nhưng nôm na là triển khai một dự án xây dựng phải qua nhiều giai đoạn, cụ tỉ là 8 giai đoạn từ Stage 0 đến Stage 7. Chủ đầu tư có thể thuê độc lập các nhóm tư vấn khác nhau làm từng giai đoạn khác nhau cho mình. Mỗi giai đoạn có các yêu cầu về kết quả, những nội dung công việc gì cần phải hoàn thành, nên trách nhiệm và nhiệm vụ của các bên tham gia cũng rõ ràng. Bình dân hơn thì diễn nôm là cứ sau mỗi giai đoạn anh nộp cho tôi một bộ hồ sơ kết quả, nội dung thế nào thì có quy định ở trong sổ tay hành nghề ý, anh cứ thế mà theo.
Vậy á, đơn giản thế thôi, bạn nào quan tâm thêm thì có thể click vào đây để tìm hiểu.
Sau đấy để hướng dẫn sử dụng cái này cũng có nhiều xuất bản đi kèm, http://www.ribabookshops.com, nói không phải khoe chứ mình có một số sách của hội này, bạn nào quan tâm thì vào đấy search, đưa tiêu đề rồi yêu cầu mình, nếu có mình sẽ share.
Nếu các bạn đọc qua cái Hồ sơ Yêu cầu Thông tin EIR thì ở phần Thông tin chung của dự án có dòng “Các giai đoạn thực hiện dự án: RIBA Plan of Work 2013”
Cái mình nhấn mạnh ở đây là các hướng dẫn triển khai dự án đều xuất phát từ các hiệp hội nghề nghiệp, những người hành nghề ngồi lại với nhau và soạn ra các thủ tục làm việc cho nghề của mình. Dĩ nhiên là cũng có bóng dáng của nhà nước nhưng khá nhỏ, có lẽ đây là một trong những cái mà ở các hiệp hội làm nghề ở VN thiếu chăng?
Một trong những ví dụ rõ nét tiếp theo về chuyện các hiệp hội nghề nghiệp tự soạn hướng dẫn cho việc hành nghề của mình là CIC Scope of Services, tạm dịch là “Phạm vi dịch vụ” của Hội đồng ngành xây dựng (CIC – Construction Industry Council), http://cic.org.uk/services/the-cic-scope-of-services.php.
Về ý nghĩa thì cái CIC Scope of Services này cũng tương tư như cái RIBA Plan of work ở trên, cũng chia dựa án ra làm nhiều giai đoạn nhưng cái bản nhiệm vụ của CIC Scope of Services hướng đến là cho cả Tư vấn thiết kế lẫn Nhà thầu thi công chứ không thiên về cho Kiến trúc như RIBA.
Tóm lại là các dự án ở UK được triển khai theo các bước của hai tổ chức nghề nghiệp trên. Để biết và hiểu cụ thể các giai đoạn triển khai của họ thì phải là người hành nghề lâu năm và cũng là mỗi người mỗi việc, thường các vị trí như Giám đốc dự án hay Chủ trì Kiến trúc họ biết tổng thể hơn các thành viên khác. Với bọn mình ở đây thì biết có một số cái như thế về khái niệm để trao đổi tiếp là ổn
Bên cạnh hai cái RIBA của Kiến trúc, CIC của tư vấn và nhà thầu thì còn có các hướng dẫn khác dành cho bên Bảo trì và vận hành công trình như “chuyển giao mềm (Soft Landing)… như tóm tắt ở hình dưới đây, cái này chính là phần đầu của cái hình to đùng ở trên :
Bên cạnh hai cái RIBA của Kiến trúc, CIC của tư vấn và nhà thầu thì còn có các hướng dẫn khác dành cho bên Bảo trì và vận hành công trình như “chuyển giao mềm (Soft Landing)… như tóm tắt ở hình dưới đây, cái này chính là phần đầu của cái hình to đùng ở trên :
Mục đích của việc đề cập một tẹo đến các tài liệu trên là để nhắc lại một ý khá quan trọng ở bài trên là các “Các tiêu chuẩn và hướng dẫn về BIM được biên soạn với mục tiêu giảm thiểu tác động lên các phương thức thực hiện hiện tại của ngành xây dựng của họ, phần lớn đều mang tính can thiệp hàng ngang, bổ sung và tinh chỉnh vào cách vận hành dự án hiện tại để làm nó hiệu quả hơn, nhất là về phần quản lý thông tin”.
Cụ thể là nếu bạn mở PAS 1192-2 ra thì thấy quy trình BIM của họ dựa trên các giai đoạn phát triển dự án của CIC Scope of Service, có nghĩa là họ không muốn thay đổi cách triển khai dự án hiện tại gì cả. Họ chỉ gắn thêm quy trình BIM (màu Lam) vào quy trình triển khai hiện tại.
À, họ có tinh chỉnh một xíu đó là đưa thêm các điểm truy xuất thông tin (màu xanh) tại các mốc quan trọng của dự án (màu đỏ) để giúp chủ đầu tư quyết định.
Để dễ hiểu 3 màu này hơn thì ở đây nên nói chuyện phiếm một chút về chủ đầu tư, dù gì nguồn gốc của BIM UK phần lớn xuất phát từ mong ước trở thành khách hàng thông minh của chủ đầu tư xộp nhất thôi mà.
Có một mẫu đối thoại trong cuốn BIM for Construction Clients mà mình thấy hay là Giám đốc điều hành CEO nói với giám đốc IT của mình “Tao muốn công nghệ để biến công ty thành bất bại trên thương trường. Công nghệ làm được gì cho tao? ”. Ông IT trả lời : ”Công nghệ làm được hết những gì mày muốn. Thế mày muốn nó làm gì ?”. Đây là cuộc đối thoại giữa những người điếc vì CEO không hiểu tiềm năng của công nghệ mà đồng chí làm IT cũng không hiểu gì về chiến lược kinh doanh của công ty.
Tương tự như bên BIM cũng thế, nếu chủ đầu tư cứ nói khơi khơi là tao muốn ứng dụng BIM thì cũng giống câu chuyện ở trên hay câu chuyện “I do BIM = I do the Internet” mà mình đã có dịp kể trong các bài trước. Bởi thế, quan trọng là chủ xị phải biết BIM có thể phục vụ họ thế nào để họ biết mình muốn làm gì.
Cũng theo cuốn sách trên thì ở Mỹ, họ tiếp cận BIM theo kiểu là chủ đầu tư phải quyết định họ sử dụng BIM như thế nào và cho mục đích gì. Ở UK thì lại khác, chủ đầu tư quyết định là để tư vấn và nhà thầu tự xử lý việc sử dụng BIM thế nào, chủ đầu tư chỉ đơn giản là đưa ra các mong muốn của mình, về nội dung và định dạng.
Cách tiếp cận của UK gần với thực tế đang triển khai dự án hơn, chủ đầu tư chỉ đưa ra yêu cầu mình muốn gì và để bên kỹ thuật làm phần việc còn lại. Đơn giản là tại từng thời điểm của dự án, chủ đầu tư họ cần đủ thông tin để quyết định bước tiếp theo phải làm gì, ví dụ
· Khi kết thúc Stage 1, bên tư vấn phải có đủ bộ hồ sơ nhiệm vụ thiết kế để họ xem xét liệu bộ hồ sơ này đã phản ánh hết các mong muốn về dự án của mình chưa, nếu chưa thì dẹp, về làm lại. Nếu rồi thì sang giai đoạn sau.
· Khi hết Stage 2 thì họ cũng cần có đủ hồ sơ để xem “liệu thiết kế ý tưởng được chọn có phải là thiết kế lý tưởng chưa?”, nếu chưa thì thế nào ?
· Đến hết Stage 3 thì họ cũng phải đủ hồ sơ để xem “liệu cái thiết kế được phát triển này đủ yêu cầu để xây chưa nhỉ, xây hay không xây đây ?
· Đến hết Stage 6 thì họ cũng phải có đủ hồ sơ để phê duyệt bàn giao hay cứ để đấy cho nhà thầu thi công tiếp hay có đủ thông tin để đi vào vận hành chưa ?
Kiểu kiểu như thế, làm dự án là một chuỗi các quyết định “làm hay không làm”, “đi tiếp hay thôi”… mà để đưa ra các quyết định đấy, rõ ràng là chủ đầu tư cần thông tin. Việc này là việc thường ngày như việc thi hoa hậu vậy nên chẳng có gì để bàn cãi cả.
Việc đang bàn ở đây là làm thế nào để quy trình BIM can thiệp vào các chuyện thường ngày của dự án đấy. Họ can thiệp vào quản lý dự án rất đơn giản bằng cách yêu cầu các thông tin, và có hai tài liệu quan trọng để làm chuyện đấy, là:
· Hồ sơ yêu cầu thông tin EIR
· Danh sách các câu hỏi điều tra thông tin PLQs
Ví dụ hai trang dưới đây trích từ Hồ sơ Yêu cầu Thông tin EIR, chủ đầu tư yêu cầu vào thời điểm nào thì phải xuất dữ liệu (Data drop) và dưới định dạng gì (mô hình Revit, COBIE, IFC)
Sau đấy dùng “Danh sách câu hỏi điểu tra thông tin PLQ” để kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của thông tin mà bên tư vấn xuất ra.
Dĩ nhiên khi triển khai dự án nó còn có nhiều thứ khác, nhưng về ý tưởng của Quy trình BIM là thế “quản lý thông tin”, tránh tình trạng bị mất thông tin ngay trong từng giai đoạn thiết kế và đặc biệt là qua các giai đoạn của thiết kế.
Vậy đó, nói một chút về tiêu chuẩn BIM UK trong bối cảnh các hướng dẫn hoạt động nghề hiện tại. Nhắc lại là nó mang tính bổ sung, như bổ sung cho quản lý dự án vậy. Nó không xáo trộn khung cảnh hiện tại và không có gì là ghê ghớm cả.
Trong bài sau, mình cố gắng liên hệ một chút với VN xem thế nào, tuy nhiên mình không rành các hướng dẫn, luật liếc ở VN bao nhiêu nên sẽ mong các bạn góp ý.