Chiều ngày 24/11/2020, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã tổ chức hội thảo Quốc tế “Chuyển đổi số ngành xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững: Chuyển đổi thông qua đổi mới, sáng tạo – CDSD 2020”.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) thông qua ứng dụng Zoom. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học giả của 26 quốc gia với sự đóng góp của 79 bài viết thông qua kỷ yếu. Hội thảo là sự nối tiếp thành công của sự kiện trước đây do Trường ĐHXD tổ chức từ năm 2018.
Tham dự hội thảo có: TS. Lê Văn Cư –Viện trưởng Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, Phó Ban thường trực, ban chỉ đạo BIM chính phủ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD; Bà Donna McGowan – Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam; Ông Nguyễn Bảo Lâm – Tổng Giám đốc điều hành công ty Ecotek cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD bày tỏ niềm vinh dự khi Trường ĐHXD là nơi được các đối tác quan tâm để tổ chức Hội thảo quốc tế này và càng vinh dự hơn khi trường là cái nôi để phát triển BIM tại Việt Nam. Đổi mới sáng tạo là một trong những chủ đề quan trọng trong đào tạo và việc ứng dụng BIM trong xây dựng là điều tất yếu. Mặc dù có hạn chế do đại dịch Covid-19 nhưng Hội thảo vẫn thu hút của đông đảo các thành phần tham gia. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số ngành xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang hy vọng hội thảo sẽ mang lại nhiều điều bổ ích và thú vị và hy vọng sẽ được đón tiếp các quý vị đại biểu trong năm 2022.
Tại hội thảo, TS. Lê Văn Cư – Viện trưởng Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, Phó Ban thường trực, ban chỉ đạo BIM chính phủ Việt Nam cho rằng công nghiệp 4.0 ngày càng tác động sâu rộng đến tất cả mọi hoạt động đời sống xã hội. Cuộc cách mạng này đã góp phần tích cực nhất định vào ngành xây dựng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu việc ứng dụng BIM trong xây dựng thành phố thông minh đã có kết quả nhất định. Hội thảo này chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều ý kiến cũng như kinh nghiệm quý báu để phục vụ cho công tác chuyền đổi số ngành xây dựng đạt kết quả tốt đẹp.
Tại hội thảo, bà Donna McGowan – Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, Anh quốc được công nhận là quốc gia đi đầu trong ứng dụng BIM và Hội đồng Anh may mắn được là một trong những đối tác đồng hành cùng NUCE để phát triển ứng dụng BIM tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và đàm thoại về ứng dụng BIM trong xây dựng. Sự kiện này cần được chia sẻ và nhân rộng để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
TS. Eric Lou – PGS Đại học Tổng hợp Manchester Metropolitan, Vương Quốc Anh phát biểu trực tuyến: “Sự kiện này đã diễn ra trong mùa dịch Covid-19 chứng tỏ loài người sống không thể thiếu sự hợp tác, đoàn kết. Khi mọi người hợp tác với nhau thì mọi khó khăn dường như sẽ bị đẩy lùi. Chuyển đổi số trong ngành xây dựng cần phải diễn ra nhanh chóng. Cần ứng dụng BIM trong xây dựng thành phố thông minh”.
Ông Nguyễn Bảo Lâm – Tổng Giám đốc điều hành công ty Ecotek chia sẻ về quan điểm và ý tưởng trong xây dựng đô thị thông minh. Đô thị thông minh giúp người dân có cuộc sống dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn. Việc xây dựng đô thị thông minh cần lấy cộng đồng làm trung tâm, dựa trên nguyên lý kết hợp cả yếu tố kiến trúc và công nghệ để tạo nên giá trị cốt lõi của một đô thị.
Trong ngày 24/11, tại phiên toàn thể hội thảo bao gồm các báo cáo về: Công nghệ chế tạo tiền chế thông minh sử dụng các mô hình kỹ thuật số; Xây dựng Thông mình dựa trên thị giác máy tính và internet vạn vật; Tình hình thực tiễn hiện nay trong lĩnh vực robot xây dựng tại Hoa Kỳ; Tích hợp BIM vào việc đào tạo kỹ thuật xây dựng; Đào tạo nhân lực chuẩn bị cho việc số hoá ngành xây dựng tại Việt Nam.
Ngày 25/11 các tiểu ban của hội thảo đã thảo luận các vấn đề: Mô hình thông tin công trình, dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu; Công nghệ đột phá và sáng tạo trong xây dựng; thành phố và cơ sở hạ tầng thông minh, bền vững; Tự động hoá trong xây dựng; hệ sinh thái kỹ thuật số cho quản lý kỹ thuật và xây dựng; Giáo dục và đào tạo cho việc chuyển đổi sang nền công nghiệp 4.0