Bài viết tiếp nối phần 2 trong series về BIM cho người mới làm của fb page thuvienbim.
Sau chuổi bài “BIM cho người mới làm” http://www.ketcau.com/forum/showthread.php?t=99085 tạm gọi là để có khái niệm sơ sơ về BIM : ứng dụng, công nghệ, tiêu chuẩn, quy trình. Với sự giúp đỡ của một số bạn trẻ mà mình gọi là “nhóm ất ơ trên nét”, bọn mình dịch thêm BS1192 và PAS 1192-2, tạm gọi là một số tiêu chuẩn BIM. Vừa rồi, nhóm ất ơ đấy cũng vừa dịch xong một bộ “BIM UK – Ví dụ triển khai”, tạm gọi là có thực hành.
Dự án ý có video ở đây http://thetrianglecambridge.co.uk/, còn nguyên bộ tài liệu để triển khai BIM cho dự án này được chia sẻ ở đây:
– (1) Hồ sơ Yêu cầu Thông Tin EIR
– (2) Đánh giá năng lực BIM
– (3) Kế Hoạch Triển khai BIM (giai đoạn trước đầu thầu)
– (4) Cấu trúc Thư mục CDE
– (5) Ứng dụng BIM
– (6) Danh sách câu hỏi điều tra thông tin
– (7) Mức độ phát triển (LOD)
– (8) Vai trò và Trách nhiệm
– (9) Kế hoạch trao đổi thông tin
– (10) Bảng Sản xuất và Chuyển giao mô hình
– (11) Yêu cầu COBie
– (12) Bảng đăng ký tài sản
Vậy là có khái niệm, tiêu chuẩn và ví dụ thực hành, đối với một người mới học, mình nghĩ là nếu chịu khó nghiền ngẫm thì cũng hình dung được sơ sơ BIM nó thế nào, và có thể tìm được vị trí của mình trong bức tranh đấy. Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi đọc tài liệu về BIM không thôi thì không tiến bộ được bi nhiêu thậm chí còn bị tẩu hỏa nhập ma. Bởi thế, bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì nên tìm một công ty nào đấy để trải nghiệm thực tế…
Trong các bài tiếp theo, mình sẽ cố gắng đặt tất cả các tài liệu ở trên, khái niệm, tiêu chuẩn và đặc biệt là Ví dụ triển khai ở trên, vào trong một bức tranh lớn hơn “khung triển khai dự án”. Mình sẽ cố gắng trộn các thứ lại với nhau để các bạn thấy sự liên kết giữa chúng, ai làm việc gì, vai trò, trách nhiệm của từng bên liên quan trong một dự án thực tế ở UK để các bạn hình dung một dự án diễn ra như thế nào. Bên cạnh cách thực hành của UK, mình sẽ cố gắng liên hệ một chút với các thực hành hiện có ở VN nếu được để các bạn cảm thấy gần gũi hơn.
Nói trộn các thứ để các bạn hình dung là sẽ có nhiều thông tin sẽ được sử dụng lại, được trình bày lại dưới một cái nhìn khác. Kiểu như tạo thêm một số view từ mô hình 3D vậy á, hồi xưa làm cad để tạo mặt cắt hay mặt bằng cứ phải gióng phải gióng trái rất mỏi mắt nhưng làm 3D chỉ cần click là xong, nên phải tích cực tạo thêm view để hiểu vấn đề hơn.
Vẫn đang nói chuyện BIM Level 2 UK nên nhắc lại một chút về định nghĩa, các bạn có thể tìm thấy những nguyên tắc cơ bản cho mô hình hóa thông tin Cấp độ 2 ở trong PAS 1192-2, trang ix, đại khái là:
a) Người khởi tạo sản xuất thông tin trong các mô hình mà mình kiểm soát, dựa trên các thông tin từ các mô hình khác bằng cách tham chiếu, tổng hợp hoặc trao đổi thông tin trực tiếp;
b) Chuẩn bị một bộ hồ sơ Yêu cầu Thông tin của Chủ đầu tư (EIR) trong đó xác định rõ ràng thông tin yêu cầu và các thời điểm quyết định của dự án – xem chương 5;
c) Đánh giá các giải pháp đề xuất, năng lực và khả năng của từng nhà cung cấp và chuỗi cung ứng của họ để hoàn thiện các thông tin cần thiết trước khi ký hợp đồng chính thức – xem Chương 6;
d) Một bản Kế hoạch Triển khai BIM (BEP) phải được phát triển bởi tư vấn với nội dung bao gồm:
- 1) vai trò, trách nhiệm và quyền hạn được giao;
- 2) các tiêu chuẩn, phương pháp và thủ tục tiêu chuẩn (SMP)
- 3) tổng thể các thông tin sẽ được chuyển giao phù hợp với nội dung của dự án; – xem Chương 6, 7 và 8;
e) Cung cấp một môi trường duy nhất để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu và thông tin của tài sản, tất cả các cá nhân tham gia sản xuất thông tin có thể được truy cập, sử dụng và duy trì nó – xem Chương 9;
f) Áp dụng các quy trình và thủ tục được nêu trong các tài liệu và tiêu chuẩn quy định trong Bảng 1; và
g) Các mô hình thông tin được phát triển sử dụng một trong những bộ công cụ cho phép dưới đây:
- 1) Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với các cơ sở dữ liệu độc lập, và khả năng tương tác giữa chúng hoặc với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan bị hạn chế;
- 2) Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với các cơ sở dữ liệu độc lập, tương thích hoàn toàn với nhau nhưng khả năng tương tác với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan bị hạn chế;
- 3) Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với cơ sở dữ liệu độc lập, có khả năng tương thích hoàn toàn với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan
- 4) Chung một nền tảng phần mềm với cùng một cơ sở dữ liệu và tương thích hoàn toàn với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan.
Nhắc lại một chút định nghĩa tại vì nó là BIM được định nghĩa theo tiêu chuẩn nên nó rất là quan trọng. Quan trọng bởi vì nó theo tiêu chuẩn nên các bên tham gia dự án biết vai trò và trách nhiệm của mình cụ thể như thế nào. Đây là hợp đồng, là pháp lý, BIM được định lượng chứ không phải chỉ đơn giản là nói miệng một cách cảm tính “làm BIM” với nhau.
Tại vì cái BIM cho người mới học cũng được hơn một năm rồi nên mình cũng diễn nôm lại một chút ý nghĩa của các gạch đầu dòng ở trên.
Trước hết là mục (a) liên quan đến người khởi tạo. Mục này khá là tường minh, BIM Level 2 bảo đảm quyền tác giả, quyền của người khởi tạo thông tin. Trong suốt quá trình phát triển của dự án, các thông tin có thể thay đổi, làm mới, bổ sung… mô hình của bạn có thể được liên kết, nhồi nhét vào các mô hình của các bộ môn khác nhưng nếu bạn là người tạo ra nó, bạn vẫn là chủ sở hữu và chịu trách nhiệm với mô hình của mình. Các bạn có thế download một vài mô hình của dự án này ở đây nhé. https://goo.gl/TRuxKG
Mục (b) liên quan đến Hồ sơ Yêu cầu Thông tin của Chủ đấu tư (EIR). Vậy là rõ, khi bắt đầu ứng dụng BIM cho dự án, Chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị một Hồ sơ Yêu cầu thông tin (EIR), chỉ rõ tại thời điểm nào của dự án thì mình muốn gì. Để biết thêm chi tiết mặt mũi cái EIR này nó thế nào thì hoặc các bạn đọc lại bài viết liên quan đên EIR ở trên, hay tham khảo chương 5 của PAS 1192-2, và ví dụ cụ thể là (1) Ví dụ triển khai – Hồ sơ Yêu cầu Thông Tin EIR trong bộ trên.
Sau đấy đến mục c) Đánh giá năng lực BIM của các bên tham gia dự án. Cái này mình cũng đã đề cập đến ở trên hay các bạn đọc thêm Chương 6 của PAS 1192-2 và (2) Ví dụ triển khai – Đánh giá năng lực BIM ở trên.
Sau đấy là đến d) Kế hoạch Triển khai BIM (BEP). BIM Level 2 yêu cầu tư vấn chuẩn bị một Kế hoạch triển khai BIM với nội dung có ba phần chính như trên. Bạn nào muốn ôn lại thì vòng ngược lên trên có bài Kế hoạch Triển khai BIM, tham khảo thêm Chương 6, 7, 8 của PAS 1192-2 để có thêm cơ sở tiêu chuẩn. Sau đấy làm luôn cái tập tin (3) Kế Hoạch Triển khai BIM (giai đoạn trước đầu thầu) để thấy ví dụ thực tế một khi đã chán lý thuyết.
Tiếp nữa là e) cung cấp Môi trường Dữ liệu Chung (CDE), là môi trường duy nhất để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu và thông tin của dự án, one source of truth, chân lý chỉ có một Cái này thì rõ rồi, thay vì các bên tự tiện trao đổi hằm bà lằng với nhau thì nên gom về một mối, vừa đơn giản, vừa an toàn vừa bảo đảm có thông tin mới nhất để sử dụng. Về CDE thì mình nhớ là ở bài đầu tiên của BIM cho người mới học, nhắc lại CDE không chỉ đơn giản là một cái thư mục kiểu Gdrive, dropbox… mà nó là một môi trường có tổ chức và kiểm tra. Tổ chức phức tạp của CDE thế nào thì xin mời tham khảo chương 9 của PAS 1192-2 và BS 1192, chương 4. Ví dụ giản đơn về tổ chức và phân quyền trong CDE có thể thấy ở tài liệu (4) Ví dụ triển khai – Cấu trúc Thư mục CDE.
Tiếp theo là các f) các tiêu chuẩn và quy trình mà BIM Level 2 phải tuân theo. Dân làm kỹ thuật như mình hay các bạn rất cần tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn BIM cũng giống như tiêu chuẩn về Bê tông cốt thép hay Nền móng vậy, có tiêu chuẩn tức là có đại ca ở trên bảo hộ, bọn mình chỉ việc an tâm làm theo là OK Tiêu chuẩn và quy trình phải tuân theo của BIM Level 2 thì nhiều, nó được ghi ở Bảng 1 của PAS 1192-2 và được lặp lại trong EIR và BEP. Mình sẽ quay lại nói chuyện về bối cảnh của các tiêu chuẩn này sau.
Phần cuối cùng là về g) các công cụ sử dụng trong dự án. Mình phải thú nhận là đoạn này bọn mình dịch chưa được rõ nghĩa cho lắm nhưng đại khái là trong BIM Level 2, các bạn có thể chọn bộ công cụ nào để triển khai dự án là quyền của các bạn. Mỗi bộ môn sử dụng phần mềm của mình có thế hoàn toàn không tương thích với nhau (đoạn 1) cho đến tương thích hoàn toàn với nhau (đoạn 4). Công cụ nào cũng được, miễn là bạn phải sản xuất được đầy đủ thông tin được yêu cầu trong Hồ sơ Yêu cầu Thông tin EIR. Đấy, bạn hoàn toàn có thể làm BIM Level 2 với công cụ mà bạn có, đấy là tiêu chuẩn nó bảo thế, chứ không cần phải chạy theo xu hương phần mềm này nọ. Mình sẽ trở lại với bối cảnh của phần công cụ này sau.
Vậy đó, khởi động lại một chút với các nguyên tắc để có nguyên liệu mà viết tiếp. Chắc sẽ có vài bạn thắc mắc là ở đoạn tóm tắt mày mới sử dụng có 4 tài liệu trong khi Ví dụ triển khai ở trên có đến 12. Đúng rồi á, bên cạnh bốn tài liệu cơ bản ở trên thì có nhiều phụ lục đi kèm để giải thích và làm rõ thêm các yêu cầu trong lúc triển khai BIM. Ví dụ 5) Ứng dụng BIM mô tả các ứng dụng BIM phổ biến để giúp các bên lựa chọn Ứng dụng nào nên triển khai trong dự án. Hay (8) nói về vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong lúc triển khai dự án v.v.
Như đã nói ở trên, mục đích không là đi sâu vào các tài liệu mà chỉ sử dụng ví dụ để giới thiệu bối cảnh lớn hơn là BIM trong hoạt động ngành xây dựng nên tạm thời không chi tiết hóa quá. Mình quay lại nói chuyện bối cảnh.
Theo Thuvienbim