Tại các nước đã áp dụng BIM vào hoạt động xây dựng, nhiều nghiên cứu, tổng kết cho thấy hiệu quả từ việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng là rất đáng kể. Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật xây dựng hạ tầng tích hợp thuộc trường đại học Stanford (Stanford University Center for Integrated Facilities Engineering, viết tắt là CIFE) đã tổ chức tổng kết hàng năm qua theo dõi việc áp dụng BIM của các công ty cũng như tại các dự án đầu tư xây dựng.
Trong báo cáo tổng hợp số liệu dựa trên 32 dự án có sử dụng BIM của CIFE đã định lượng lợi ích mang lại qua một số chỉ tiêu như:
– Giảm bớt 40% các yêu cầu thay đổi;
– Sai lệch của quyết toán với dự toán trong khoảng +/- 3%;
– Giảm 80% thời gian lập dự toán;
– Tiết kiệm về chi phí lên đến 10%;
– Giảm 7% về tiến độ.
Theo báo cáo từ CIFE, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (Return on Investment, viết tắt là ROI, tính dựa trên so sánh chi phí tiết kiệm được của dự án và chi phí áp dụng BIM vào dự án) của việc áp dụng BIM nằm trong khoảng 193 – 39.900% tùy theo phạm vi công việc áp dụng BIM trong dự án (Các số liệu về chi phí tiết kiệm được thống kê trực tiếp từ dự án và được ước lượng từ việc xử lý các xung đột trước khi thi công).
Tại Singapore, một số dự án có áp dụng BIM đã được tổng kết về lợi ích như:
– Giảm 52% phiếu yêu cầu cung cấp thông tin (Request for Information, viết tắt là FRI) tại Dự án “Safra Clubhouse”;
– Tiết kiệm 9 – 10% hao phí nhân công tại Dự án “Cơ sở nuôi thú” tại đường Perah;
– Rút ngắn 138 giờ về tiến độ tại Dự án “Vermont” tại khu Cairnhill Rise.
Tại Trung Quốc, đánh giá hiệu quả việc áp dụng BIM được thực hiện tại dự án tháp Thượng Hải (Shanghai Tower) là một dự án phức tạp, có yêu cầu và tiêu chuẩn cao. Dự án có rất nhiều nhà thầu phụ với khối lượng thông tin cần phải quản lý và chia sẻ rất lớn. Việc ứng dụng BIM đã giúp triển khai dự án một cách tối ưu hơn. Nhóm triển khai dự án đánh giá rằng việc triển khai BIM đã giúp tiết kiệm được cho dự án khoảng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương với khoảng 15 triệu USD).