Mở đầu 

Mô hình Thông tin Công trình (BIM) đã và đang đem tới cho ngành công nghiệp xây dựng rất nhiều lợi ích và được áp dụng cũng như triển khai ở nhiều quốc gia. Thuật ngữ BIM bắt đầu xuất hiện từ năm 1986 và từ đó được gắn liền với ngành xây dựng. Các quốc gia áp dụng mô hình BIM sẽ thấy được những hiệu quả to lớn, bao gồm cải thiện năng suất lao động và cắt giảm chi phí cho tất cả các ngành liên quan.

Các quốc gia đã áp dụng và triển khai BIM

Vương quốc Anh

UK đang triển khai thêm các chương trình thực hành dành cho các nhà thiết kế, nhà thầu và kĩ sư. BIM trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc tại UK từ tháng Tư năm 2016, khi mà toàn bộ các dự án vốn nhà nước đều triển khai BIM Level 2. Theo như Báo cáo Quốc Gia về BIM năm 2018 của NBS, 20% số công trình tại Anh đã triển khai thành công BIM (tăng 12% so với năm 2017), kể từ khi việc áp dụng BIM trở thành điều bắt buộc.

Hoa Kỳ

BIM được triển khai tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 70 của thế kỉ trước nhưng sau đó, BIM không thực sự đem lại nhiều lợi ích và quá trình triển khai BIM rơi vào ngõ cụt. Chính phủ Mỹ thời điểm đó không nghĩ tới việc đưa BIM thành một quy chuẩn bắt buộc. Tới tận năm 2003, Cơ quan quản lý Dịch vụ Công (GSA) mới đưa chương trình về BIM 3D và 4D trở lại. Chương trình này bắt buộc tất cả các dự án Dịch vụ Công cộng phải áp dụng BIM. Wisconsin trở thành bang đầu tiên triển khai BIM tới các dự án công cộng với tổng giá trị vào khoảng 5 tỉ Đôla Mỹ. BIM dần dần trở nên phổ biến tại Mỹ và mang tới đóng góp tích cực cho ngành Xây dựng. Hoa Kỳ hiện nay có 72% trong tổng số các doanh nghiệp đang áp dụng BIM vào các công trình.

Singapore

BIM được xác định là yếu tố then chốt để đưa Singapore trở thành quốc gia có ngành xây dựng tiên tiến nhất. Mạng lưới Bất động sản (CORENET) và Cơ quan Quản lý Xây dựng (Building & Construction Authority – BCA) bắt đầu triển khai BIM hồ sơ điện tử (e-submission) và bắt buộc áp dụng chúng từ năm 2015 với các công trình có diện tích trên 5000m2. Trong những năm gần đây, Chính phủ Singapore cho thấy hiệu quả trong việc triển khai BIM là vô cùng lớn. BCA đem tới lộ trình kết hợp BIM thông qua các dự án thiết kế và thi công ảo, vốn là cơ sở để áp dụng BIM trong Quản lí Cơ sở hạ tầng và Quốc gia Thông minh.

Pháp

Vào năm 2014, Chính phủ Pháp đưa ra bộ tiêu chuẩn BIM đối với các dự án cơ sở hạ tầng cùng với quá trình xây dựng 5 triệu ngôi nhà tới năm 2017. Chính phủ đã chi ra 20 triệu Euro để số hóa ngành công nghiệp xây dựng nhằm tiến tới việc đưa BIM trở thành yêu cầu bắt buộc trong khu vực đầu tư công. Chính phủ Pháp đưa ra sáng kiến về Kế hoạch Chuyển đổi Số (Digital Transition Plan) nhằm đạt được sự bền vững và giảm thiểu chi phí, ngay khi BIM bắt buộc áp dụng từ năm 2017.

Đức

Khoảng 90% các chủ đầu tư tại nước này có nhu cầu sử dụng BIM dành cho các công trình thương mại cũng như nhà ở. Chính phủ Đức vẫn phụ thuộc vào các phương pháp xây dựng truyền thống, điều cản trở quá trình triển khai BIM một cách toàn diện. Tới năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nền tảng Công trình số (Digital Building Platform) và lộ trình đến năm 2020, các dự án cơ sở hạ tầng công cộng phải bắt buộc áp dụng BIM.

Trung Quốc

Việc triển khai BIM đã được thảo luận giữa Bộ Xây Dựng và Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Trung Quốc từ đầu thế kỉ XX. Theo một điều tra mới đây, chưa tới 15% các doanh nghiệp tài nước này áp dụng BIM. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị đã ban hành Kế hoạnh 12 năm, trong đó thể hiện rằng BIM không bắt buộc phải áp dụng. Bộ tiêu chuẩn quốc gia về BIM đã được ban hành và thông qua bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Nhiều cơ quan thuộc Chính phủ đã bắt đầu tập trung vào nghiên cứu và triển khai BIM Level 2.

Khu vực Scandinavi

Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển là những quốc gia tiên phong trong việc triển khai BIM. Phần Lan áp dụng công nghệ BIM từ năm 2002 và tới năm 2007, tất cả các phần mềm thiết kế phải được kiểm chứng bởi chính phủ Phần Lan thông qua chứng nhận IFC (Industry Foundation Class). IFC là một file có thể sử dụng trong các mô hình chia sẻ và hoạt động một cách độc lập với bất cứ một phần mềm thiết kế nào.

Tại Đan Mạch, các khu vực có vốn đầu tư công, các công trình Văn hóa hay các dự án quốc phòng đều phải áp dụng BIM khi triển khai xây dựng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đang tiếp tục quá trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để đưa BIM vào ứng dụng trong thực tế.

Thụy Điển là quốc gia có thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia triển khai BIM. Nhiều công trình đã áp dụng BIM thành công, ngay cả trước khi chính phủ nước này ban hành các bộ hướng dẫn cụ thể. Các sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình triển khai BIM vào các công trình công cộng đã được Thụy Điển đưa ra để mục tiêu tới năm 2015, BIM trở thành yếu tố bắt buộc trong các công trình xây dựng.

Tại Na Uy, Cơ quan Quản lý Đất đai (Statsbygg) và Hiệp hội các doanh nghiệp xây dựng đang thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng BIM vào các dự án. Các đối tác của các dự án công phải sử dụng IFC và BIM từ năm 2010. SINTEF (một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Na Uy) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về BIM nhằm giúp cải thiện quá trình thi công và vận hành của các công trình.

Australia

Các doanh nghiệp tư nhân cũng như các chủ đầu tư đã chủ động ứng dụng và triển khai BIM tương đối sớm. Còn các công trình có vốn đầu tư công áp dụng tiêu chuẩn PAS1192-2 do sự thiếu kĩ năng và làm việc độc lập dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai BIM. Bên cạnh đó, cũng chưa có một phương pháp nghiên cứu cụ thể và chính xác để đánh giá mức độ phát triển của BIM. Hoa Kỳ đã yêu cầu Australia cần sớm đưa ra bộ quy tắc Hướng dẫn và Hỗ trợ BIM để việc triển khai sớm đạt được kết quả. 

Châu Âu

Việc triển khai BIM tại châu Âu đang diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả. Các doanh nghiệp, trường học, các nhà khoa học cũng như các Viện nghiên cứu đã ứng dụng thành công BIM vào các công trình. Ngành Xây dựng nói chung tại Châu Âu đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhờ vào việc áp dụng các Tiêu chuẩn BIM và Mô hình số hóa. Bộ Tiêu chuẩn BIM đã được ban hành vào năm 2016 và đem đến ảnh hưởng to lớn tới việc triển khai BIM tại các quốc gia.

Canada

Chỉ có khoảng 31% các công trình hiện nay tại Canada có sự áp dụng BIM tại các giai đoạn khác nhau. Chính quyền các bang tại Canada không bắt buộc các doanh nghiệp phải triển khai BIM nhưng trong tương lai không xa, tỉ lệ áp dụng BIM sẽ tăng lên. Các công trình cơ sở hạ tầng có thể được cải tiến thông qua việc áp dụng BIM và các tiêu chuẩn hiện hành của chúng. Năm 2010, Hội đồng các viện nghiên cứu về BIM (IBC) được thành lập nhằm định hướng trong việc triển khai BIM cho ngành công xây dựng của nước này.

Ấn Độ

AECO (Kiến trúc, Kĩ thuật, Xây dựng và Vận hành) là ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn thứ hai tại nước này. Việc ứng dụng BIM tại Ấn Độ mới chỉ thực hiện trong giai đoạn thiết kế của công trình. Khu vực tư nhân bắt đầu áp dụng BIM vào dự án đường sắt Nagpur với BIM 5D, với mục đích biến dự án trở thành tiên phong trong việc triển khai BIM tại nước này. Các công nghệ của BIM như BIM phối hợp (BIM Co-ordination) hay Phát hiện xung đột (Clash Detection) giúp thúc đẩy chất lượng thi công công trình, cắt giảm chi phí cũng như đem lại hiệu quả trong việc triển khai dự án. Với một nền kinh tế đang phát triển và có nhận thức rõ ràng về khả năng của BIM, các nhà thầu tại Ấn Độ hoàn toàn có khả năng triển khai BIM một cách hiệu quả.

Lời kết

Mỗi quốc gia cần có những dự án thí điểm áp dụng BIM để có thể thấy được hiệu quả có thể thu được như cắt giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả lao động. Việc áp dụng BIM sẽ thay thế cho những phương pháp xây dựng truyền thống, vốn đang được áp dụng lâu nay. Những cải tiến của công nghệ BIM giúp đưa các bản vẽ trở nên dễ dàng tiếp cận và thực hiện theo, qua đó tiến tới việc áp dụng vào các công trình bền vững và cắt giảm năng lượng trong tương lai không xa.

 

Nguồn: https://www.bimcommunity.com/news/load/1086/bim-adoption-around-the-world

Người biên dịch: Bùi Duy Anh