Cuộc cách mạng môi trường đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới trong hàng thập kỷ qua, và không có gì bất ngờ khi nhân loại đang chứng kiến sự bùng nổ và gia tăng nhanh chóng của mô hình nhà ở bền vững, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Có nhiều nguyên nhân để các chủ đầu tư, công ty quản lý bất động sản, và kể cả chính phủ các nước, thúc đẩy việc triển khai nhà ở xanh, và thực tế cho thấy, sự bền vững sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt là các lợi ích mang tính lâu dài.
Từ sự tích hợp của các công nghệ thông minh vào môi trường sống hiện đại đến việc sử dụng sức mạnh của BIM nhằm tạo ra một dự án phát triển bền vững từ giai đoạn lên ý tưởng tới khi hoàn thiện, tất cả nhằm nang cao việc sử dụng năng lượng sạch của dự án, không thể phủ nhận rằng nhà ở bền vững đang hiện diện ngày một cụ thể và rõ ràng. Hãy cùng Vietnam BIM Network nhìn lại một số xu hướng nổi bật về nhà ở bền vững trong năm 2020 cũng như trong những năm sắp tới.
Kỷ nguyên nhà ở thông minh
Công nghệ thông minh đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, xuất hiện trong tất cả các ngành cũng như lĩnh vực nhà ở. Con người sử dụng các công nghệ thông minh mỗi ngày, nhu cầu cho các giải pháp nhà ở thông minh đang tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới, thúc đẩy các nhà đầu tư, đơn vị thi công, kiến trúc sư và các nhà thiết kế tích hợp các công nghệ thông minh vào các quy trình cũng như vào sản phẩm hoàn thiện cuối cùng – đó là tạo nên môi trường sống thông minh và hiện đại mà chúng ta đều mong muốn. Công nghệ thông minh đang được cải tiến theo từng năm, và hiện tại, những công nghệ này đang trở nên hoàn chỉnh hơn bao giờ hết.
Năm 2020 và tới đây, các công nghệ bảo mật thông minh trở nên phổ biến, và mỗi chúng ta có thể kết nối với toàn bộ hệ thống an ninh thông qua chiếc smartphone và kiểm soát được ngôi nhà của bạn bất kể rằng bạn ở đâu. Đây là xu hướng sẽ thúc đẩy hộ gia đình thông minh, vì công nghệ này cho phép người lớn có thể quan sát trẻ nhỏ khi chúng đang vui chơi, và có thể kiểm soát tất cả các lối ra vào của ngôi nhà từ xa. Không chỉ về vấn đề an ninh, các thiết bị như bộ điều nhiệt thông minh (thermostats), đèn điện thông minh, và đặc biệt là các thiết bị IoT sẽ trở nên phổ cập trong các hộ gia đình trong thời gian tới.
Ứng dụng BIM cho phát triển bền vững
Mô hình thông tin công trình là giải pháp tiên phong đang được áp dụng trong xây dựng, kiến trúc, kĩ thuật và thiết kế trong thời đại công nghệ như ngày này, và không bất ngờ, BIM cũng được sử dụng trong phát triển nhà ở bền vững như một trong những giải pháp hàng đầu. BIM là một giải pháp toàn diện bởi chúng cung cấp cho tất cả các bên liên quan của dự án thông tin với góc nhìn toàn cảnh mà các bên cần để thiết kế với những ý niệm về môi trường được định hình xuyên suốt từ giai đoạn ban đầu.
Kết quả thu được khi áp dụng BIM là mức tiết kiệm năng lượng cao hơn và quá trình phát triển bền vững được hình thành xuyên suốt dự án, trong khi đó các cư dân có thể kỳ vọng vào các khoản tài chính tiết kiệm được tính theo từng năm. Các chuyên gia có thể quản lý các thành phần phức tạp của quá trình phát triển nhằm thiết kế và kiến tạo nên các công trình thực sự bền vững, qua đó giúp tiết kiệm năng lượng và cải thiện tuổi thọ công trình.
Năng lượng mặt trời
Một trong những xu hướng lớn nhất và đạt được những bước tiến đáng kể trong ngành xây dựng thời gian qua là về năng lượng mặt trời, nhất là khi năng lượng mặt trời đã đạt tới ngưỡng hiệu quả và có giá cả cạnh tranh, và các công nghệ mới như pin mặt trời đã trở nên có thể tiếp cận tới các hộ gia đình.
Nhà ở tự cung cấp năng lượng (Net-zero homes)
Một xu hướng khác trong năm 2020 và thời gian tới đó là các ngôi nhà tự cung cấp cấp năng lượng. Trước đây, các căn nhà như này gặp khó khăn để xây dựng bởi các công nghệ cần có để tạo ra ngôi nhà mà sản sinh ra lượng năng lượng sạch tương đương với năng lượng tiêu thụ là quá cồng kềnh phức tạp và đắt đỏ đối với các chủ nhà thông thường. Mặc dù vậy, hiện nay, với việc kết hợp các giải pháp BIM đã được nhắc đến trước đó và công nghệ thông minh, cùng với việc trang trí và thiết kế hiệu quả, cũng như lối sống thân thiện với môi trường, các ngôi nhà tự cung cấp năng lượng trở thành một lựa chọn với giá cả phù hợp cho mọi người.
Giảm kích thước không gian sống (Downsizing)
Một trong những xu hướng kiến trúc nổi lên năm 2019 và tiếp tục trong năm 2020 là xu hướng downsizing – giảm kích thước không gian sống. Đây là một trong những xu hướng “lành mạnh” nhất, khi chúng đem lại lợi ích to lớn cho các chủ nhà. Các chủ nhà nhận ra rằng họ không cần một không gian sống rộng lớn để đảm bảo chất lượng cuộc sống, và điều này cũng là chìa khóa để cắt giảm mức năng lượng tiêu thụ cũng như các nguồn năng lượng khác như nước sạch. Về mặt dài hạn, việc lựa chọn một căn nhà với diện tích nhỏ sẽ mang lại lợi ích đáng kể, khi bản thân không gian sống có thể đáp ứng đầy đủ cho việc áp dụng các công nghệ thông minh, và giảm thiểu tới mức nhỏ nhất việc sử dụng nội thất.
(Tổng hợp từ BIM Community)