Hiểu về giá trị của BIM
Mô hình thông tin xây dựng (BIM) đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tuy nhiên, độ phổ biến của chúng ở châu Á còn đang hạn chế do các nhà quản lý vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích mà BIM có thể mang lại, dẫn đến việc họ không biết cách áp dụng BIM vào chính các dự án của họ.
Sẽ có rất ít người đồng tình ở giai đoạn đầu – khi họ mới được thông báo phải thay đổi phương pháp làm việc truyền thống sang phương pháp làm việc hoàn toàn khác.Mọi người đều có khuynh hướng ngại thay đổi, cho rằng: ” Nếu cách làm việc cũ không gặp vấn đề gì, thì tốt nhất không nên thay đổi nó”. Kết quả là chúng ta sẽ bỏ qua mất cơ hội, các tiềm năng để phát triển, và hơn nữa, tính cạnh tranh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Khi áp dụng cách thức làm việc mới, sẽ có một vài doanh nghiệp biết chủ động nắm bắt lấy cơ hội, trong số còn lại sẽ cố gắng phớt lờ nó lâu nhất có thể. Vì vậy, các tổ chức tại châu Á bắt buộc phải nhận thấy lợi ích của BIM để giúp họ chủ động tham gia. Nếu không có những phần thưởng, lợi ích rõ ràng trước mắt; những yêu cầu, cam kết sẽ không bao giờ thực hiện được.
Brian Shuptrine – Giám đốc điều hành tập đoàn Turner & Townsend tại khu vực Đông Nam Á, với thâm niên nhiều năm trong nghề với từng loại thị trường khác nhau, nhận định rằng BIM sẽ trở thành chiến lược quan trọng cần được thực hiện trên khắp châu Á. Brian đã giúp phát triển nhận thức cho vô số người về “Giá trị tương đối (relative value) của những thay đổi trong quản lý công nghệ và các quản lý khác.”
“Do trước đây chúng tôi có tham gia vào các dự án BIM tại Anh, Úc và Trung Đông nên chúng tôi có thể đưa kinh nghiệm của bản thân vào thị trường châu Á và để hỗ trợ các khách hàng. Khách hàng chính trong phạm trù xây dựng cơ sở hạ tầng, các loại hình công nghệ cao và sản xuất đều thấy được nhiều lợi ích khi áp dụng mô hình BIM.”
“Chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng dịch vụ BIM và hiện nay, khách hàng đang dần nhìn thấy những lợi ích to lớn khi sử dụng hệ thống quản lý này. Việc quản lý chéo và trao đổi thông tin mà BIM cung cấp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và phù hợp với mọi nhu cầu đầu tư tài chính. Tất nhiên, để “Hoàn vốn đầu tư” (Return of investman – ROI) của bất cứ thứ gì mới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tin tôi đi, điều này rất đáng để thử. ”
Trên thực tế, như Brian giải thích: “Dự án càng lớn thì lợi tức (ROI) càng lớn. Chúng tôi muốn biến nỗi lo này thành một trong những cách để tiếp cận, hợp tác với hiệu quả cao hơn, và trong tương lai, chúng sẽ là một phần cơ bản của mọi dự án cơ sở hạ tầng trong Châu Á.
Dưới đây là một số những lợi ích chủ yếu cho các tổ chức Châu Á đang áp dụng mô hình BIM:
Cách hợp tác làm việc
Để gặt hái được lợi ích từ mô hình mới, đòi hỏi các kiến trúc sư, kỹ sư toàn bộ ngành xây dựng phải cùng hợp tác, chia sẻ và cập nhật thông tin. Điều này sẽ làm thay đổi đầu ra theo chiều hướng tốt hơn bằng cách giảm chi phí, tránh sai sót và cắt giảm thời gian phân phối.
Quá trình rõ ràng
Những khách hàng của chúng tôi ở Châu Á đều biết điều gì sẽ xảy ra khi một vài người trong nhóm không hiểu về cách thức làm việc hay vai trò của mình trong dự án. Tất cả các bên hữu quan của dự án cần phải hiểu rõ về vai trò của họ, và tìm hiểu cách tiếp cận BIM để tạo nên cấu trúc thực hiện cho công việc.
Khả năng nắm bắt tất cả các thông tin liên quan đến môi trường xây dựng
Những kỹ thuật quản lý dự án truyền thống có xu hướng tập trung vào các lớp không tích hợp. Tức là, mỗi nhà thầu chỉ hoạt động trong lĩnh vực của riêng mình mà thôi. Mô hình mới tạo ra một cấu trúc đảm bảo tất cả các thông tin phải được thu thập, giữ lại và luôn luôn được cập nhật trong toàn bộ vòng đời của dự án.
Phát hiện những xung đột
Trong mô hình BIM, những xung đột sẽ được phát hiện ngay trong giai đoạn thiết kế và các vấn đề về này sẽ được giải quyết trước khi bắt đầu xây dựng; từ đó có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và nó còn giúp tạo sản phẩm tốt hơn. Với phần mềm phát hiện va chạm, các lỗi có thể xảy ra tại hiện trường có thể phát hiện dễ dàng trong văn phòng trước khi bắt đầu xây dựng. BIM thậm chí còn phát hiện ra được sự xung đột giữa các vật bên trong vật thể (ví dụ như bao nhiêu thanh thép được chứa đầy trong một bức tường bê tông).
Hiểu được nội dung của bạn
Trong BIM, mô hình chính là chìa khóa cho mọi vấn đề. Bằng cách đưa ra các kết quả hữu ích ngay khi bắt đầu quá trình thiết kế, mô hình mới luôn được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu thiết kế của bạn. Các bên hữu quan sẽ hiểu rõ hơn về thiết kế của công trình và từ đó, họ cho phép bạn đưa ra các quyết định dựa trên mô hình trên. Ở ngay những giai đoạn đầu, mô hình phải luôn được kiểm tra để tránh những thay đổi về thiết kế gây tốn kém và có thể được sửa lại ngay trên mô hình. Các khía cạnh về thương mại và môi trường cũng có thể được tối ưu hóa sớm hơn, mô hình đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ xây dựng sang sử dụng.
Hiểu được trình tự công việc
Hiểu biết chính xác trình tự công việc trong một dự án có nghĩa là bạn đã giảm thiểu được rất nhiều thời gian lãng phí trên công trường, cũng như giúp bạn luôn được cung ứng vật tư kịp thời. BIM có thể đảm bảo rằng bạn sẽ luôn được vận chuyển vật tư đúng thời điểm trên công trường. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian để kịp tiến độ xây dựng.
Biểu diễn mô hình 3D
Mô hình 3D là một trong những thành phần quan trọng nhất trong BIM. Một vài lượng lớn số bản vẽ có thể gây ra những sai sót và dữ liệu lỗi thời. Mô hình 3D trong BIM tạo ra những mô hình từ các công việc khác nhau, chúng được tự động liên kết và đều có thể tiếp cận rất dễ dàng. Các mô hình không chỉ để cải thiện sự hòa hợp trong thiết kế hay kiểm tra năng suất xây dựng, mà nó còn được sử dụng trong suốt quá trình nhằm truyền đạt trực quan ý tưởng thiết kế, trình tự xây dựng hay các công tác hậu cần trên công trường. Các bên hữu quan của dự án cũng sẽ hiểu hơn về những quyết định được thêm vào ở ngay trong những giai đoạn đầu của quá trình. Các mô hình cũng có thể truyền đạt một cách trực quan nhất những ý định thiết kế cho các nhà chức trách, các nhóm hoạt động hay cho mục đích tiếp thị.
Hợp nhất các chi phí và tự động tính Bảng tiên lượng (Bill of Quantities) ngay trong thời gian thực
Với BIM, những mô hình chứa các thông tin có thể cho phép nhà thầu tạo ra một mảng các thông tin dự toán thiết yếu một cách chính xác và nhanh chóng. Khi thay đổi được thực hiện, những thông tin đó cũng sẽ được tự động điều chỉnh, cho phép nhà thầu có năng suất hoạt động cao hơn. Dự toán chi phí thời gian thực có thể được thêm vào mỗi đối tượng để ra một loại công cụ giá trị mới, giúp các nhà thiết kế quản lý công trình.
Tạo ra một nguồn thông tin để quản lý tài sản
Nhìn thoáng qua, việc giữ thông tin chính xác về hơn 5.000 thiết bị chiếu sáng và 22.000 thiết bị điện có thể không quan trọng, tuy nhiên bất kỳ người nào có kinh nghiệm trong công tác quản lý cơ sở vật chất cũng sẽ cho bạn biết: việc nắm bắt và cập nhật những thông tin này là vô cùng cần thiết. Hiện nay, những nhà quản lý cơ sở vật chất đã có thể sử dụng các mô hình thiết kế 3D thông minh cùng với hệ thống “máy tính hỗ trợ cơ sở quản lý” (Computer Aided Facilities Management – CAFM) để đảm bảo rằng tòa nhà vẫn đang hoạt động tốt trong ngày hôm nay và nó sẽ ra sao trong 20 năm tới.
Tất cả những điều này đều có thể thực hiện được bằng cách tích hợp liền mạch các thông tin xây dựng vào một nguồn duy nhất – đó chính là mô hình BIM. Nó sẽ cho phép chủ đầu tư và các nhà chức trách thực hiện các bước tiếp dựa trên một nền tảng duy nhất. Các nhà quản lý có thể dự đoán các vấn đề sẽ xảy ra tiếp theo, thay vì phải bỏ thời gian ra nghĩ cách đối phó với chúng, các công việc cũng sẽ được sắp xếp một cách hợp lý ngay cả nhiều năm sau giai đoạn đầu tiên của dự án; giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc một cách đáng kể.
Nguồn: http://www.turnerandtownsend.com/en/insights/asia-understanding-the-value-of-bim/
Biên dịch: Dương Duy Hưng
Biên soạn: HBN