CDE là yếu tố phải được lập ngay khi bắt đầu một dự án BIM và được sử dụng trong suốt quy trình xây dựng của dự án (từ khi hình thành ý tưởng đến khi sử dụng vận hành)
CDE là cái quan trọng nhất, là xương sống cho quá trình BIM. CDE là môi trường để thu thập, quản lý, truyển tải và lưu trữ dữ liệu (hình học và phi hình học) của dự án. Thông tin mà các bên tham gia dự án tạo ra phải được trao đổi trên CDE. Mỗi dự án có duy nhất một CDE để giúp các thành viên dự án dễ dàng cộng tác với nhau và tránh thông tin bị trùng lặp và nhầm lẫn.
CDE thường được thiết lập ngay từ đầu của dự án (0-1), đi từ thiết kế (3-4), đến thi công (5) bàn giao (6) , duy trì trong lúc vận hành công trình (7) và được giữ lại ngay cả khi công trình bị đập bỏ. Nếu là một cái CDE tốt, thì nó sẽ chứa tất cả các thông tin của công trình.
Chính CDE giúp các đối tượng trong BIM trao đổi thông tin một cách liên tục, đầy đủ, hợp tác hiệu quả, giảm sai sót từ bản thiết kế ra công trường thi công.
Hiện tại mỗi công ty thiết lập một mạng nội bộ (intranet) để chia sẻ file “nội bộ” với nhau.. Các công ty nhỏ tầm 10-20 người thì thiết lập các intranet nhỏ với 1 vài server nhưng cũng phải có người duy trì bảo dưỡng, rủi ro server bị chập điện hay ổ cứng đơ cũng cao. Các công ty lớn thi có các Data Center to hơn nhưng để nuôi đội ngũ kỹ sư tin học cũng rất tốn.
Đấy là về phần cứng, còn về phần mềm, dữ liệu trên các server nội bộ phần lớn đều được quản lý theo dạng thư mục mà mỗi khi tìm một file phải duyệt tất cả các cây thư mục đó. Các công ty lớn đỡ hơn một chút nhờ có một số phần mềm quản lý tài liệu. Tóm lại, công việc lưu trữ và quản lý dữ liệu không phải là việc của công ty xây dựng (khoa học quản lý dữ liệu chưa bao giờ là dễ). Đã mất công và tiền như thế nhưng hiện tại, trong một dự án, email vẫn là phương tiện thông dụng nhất để các công ty trao đổi file với nhau.
Gần đây điện toán đám mây (cloud computing) phát triển thì các bên chia sẻ thông tin với nhau qua một môi trường chung như Dropbox, Google Drive, FTP… Các công cụ này tiện hơn rất nhiều so với email nhưng vẫn là môi trường tĩnh. Cũng là quản lý thư mục và điểm yếu nữa là nó không cho phép bạn theo dõi sự thay đổi trong suốt quá trình thiết kế, mà điều này là không thể tránh khỏi. Dropbox cũng tốt nhưng bạn chỉ xem được các file phổ biến như .doc, .pdf. Các file kỹ thuật như dwg hay revit thì phải tải về, và máy phải cài Revit thì mới xem được nó là cái gì.
Bởi thế các bên tham gia thiết kế vẫn theo quy trình giấy. Mỗi bên tham gia dự án như kiến trúc, kết cấu, điện nước… đều có một hộp hồ sơ (bản vẽ, thông số kỹ thuật của sản phẩm…), mỗi lần đi họp đều phải mang đi, thay đổi chỗ nào thì đánh dấu đỏ, dấu xanh… Điều này dẫn đến nhiều khi thông tin bị mất mát và ông A có thể không sử dụng thông tin cuối cùng mà ông B đưa cho…
Đến khi hoàn công thì tạo một bản copy, một bộ hồ sơ dày cộp giao cho chủ đầu tư, vậy là xong. Bộ hồ sơ đó chỉ cần để làm thủ tục hoàn công, chỉ 1 lần rồi sau sẽ bị phủ bụi ở đâu đó. Nên trong quá trình vận hành (Stage 7), có thể ông bảo trì phải tự tạo lại thông tin từ đầu, ví dụ muốn sơn lại cái nhà thì phải tự đi đo lại diện tích các phòng… chẳng hạn.
Vậy là BIM ra đời, mà cái đầu tiên là môi trường thông tin chung CDE. CDE có nhiều chức năng, để đạt được Level 2 ở UK, CDE được vận hành theo tiêu chuẩn PAS 1192-2, dưới đây là một vài chức năng chính:
1. CDE trước hết là lưu trữ thông tin trên cloud, công trình của các bạn sẽ được lưu trữ ở đâu đó trên thế giới, trong các Data center của Google, Amazon… an toàn tuyệt đối ngang với dữ liệu của các ngân hàng hay bộ quốc phòng Mỹ. Bởi vì dữ liệu ở trên mây nên các bạn truy có thể truy cập bất kể khi nào và ở đâu. Chỉ cần Ipad và Internet là đủ.
2. CDE cho phép bạn tìm kiếm dữ liệu bạn muốn một cách dễ dàng như dùng google
3. CDE cho phép bạn theo dõi phiên bản, ngoài việc upload một bản vẽ mới, nó giữ lại hết tất cả các bản vẽ cũ trước đấy. Nó bảo đảm cho bạn luôn dùng thông tin mới nhất của người khác để thiết kế và giúp bạn so sánh, theo dõi việc gì đã xảy ra
4. File Viewer trực tuyến: các CDE hiện tại cho phép bạn xem gần như được các file phổ biến trong xây dựng như doc, pdf, xls, dwg các mô hình 3D IFC. Cái này cực kỳ lợi hại bởi vì các bên tham gia không cần phải cài đặt quá nhiều phần mềm mà vẫn xem được các thông tin mình cần.
Ví dụ, trên công trường, công nhân chỉ cần có cái Ipad là có thể xem được hết bản vẽ từ 2D đến 3D để hiểu mình phải làm gì chứ không cần phải có cái Dell hay HP Workstation cài đặt tất cả các phần mềm.
5. Hợp tác, kiểm tra và đóng dấu: với việc xem được các bản vẽ của đối tác, các bạn có thể kiểm tra và ghi nhận xét của các bạn trên tài liệu đấy một cách trực tuyến. Các ghi chú này sẽ được thông báo tự động cho đối tác.
Một khi quá trình kiểm tra kết thúc, các bạn có thể chấp thuận bản vẽ và đóng dấu “Release For Construction” trực tuyến luôn. Vậy là công nhân muốn xây cái gì chỉ việc vào CDE, tải bản vẽ về, nếu bản vẽ có dấu RFC thì in ra và thi hành. Nếu không thì thôi.
6. Nhờ các dữ liệu được đặt lên CDE, từ thiết kế đến thi công, nên đến khi hoàn công, các bạn sẽ có một bộ hồ sơ hoàn công hoàn chỉnh, số hóa. Trong giai đoạn vận hành, các bạn quản lý công trình có thể xuất các thông tin cần thiết để giúp quản lý được tốt hơn. Cái này thì đến đoạn BIM for Facility Management.
Xem thêm những bài tiếp theo tại đây
Theo http://vibim.com.vn