Thế nào là các Di sản?
UNESCO định nghĩa Di sản thế giới (thiên nhiên và văn hóa) là các di sản thiên nhiên hoặc do con người để lại, có ảnh hưởng và tác động sâu rộng đối với hiện tại cũng như trong tương lai. Các Di sản này phân bố khắp các châu lục và có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nhân loại. Các di sản văn hóa bao gồm các công trình lịch sử, di tích khảo cổ,… sẽ được bảo tồn và phục hồi với sự trợ giúp của các công cụ về BIM Scan.
Các Di sản khác biệt như thế nào với các công trình khác?
Di sản thường là các công trình với tuổi đời từ hàng thập kỉ đến hàng thế kỉ. Các di sản đó thuộc về những thời kì với phong cách kiến trúc và lối trang trí vô cùng khác biệt so với hiện nay. Những di sản này có nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng chính bởi tuổi thọ lâu dài của chúng. Sự thay đổi về các điều kiện xã hội, môi trường khiến cho tình trạng của công trình trở nên đáng báo động với sự hủy hoại ngày càng gia tăng. Do vậy, cần có những hành động mang tính bắt buộc nhằm bảo tồn và phục hồi các Di sản, đặc biệt khi các Di sản đang được coi là động lực cho sự phát triển về cả kinh tế và xã hội.
Các phương pháp truyền thống nhằm bảo tồn Di sản hiện nay đang trở nên không hiệu quả và tốn thời gian. Quá trình đó ngày càng trở nên tốn kém và phức tạp do sự thiếu thông tin và tài liệu phù hợp. Trong khi đó, các công nghệ hiện đại ngày nay hoàn toàn có khả năng thúc đẩy và cải thiện các quá trình bảo tồn Di sản. Các kiến trúc sư có thể tiếp cận theo hướng mô hình 3D kết cấu cùng các thông tin liên quan có thể sử dụng trong quá trình bảo tồn trong tương lai. Một số công nghệ mới như Quét 3D (3D Scanning) đã đẩy nhanh quá trình thu thập thông tin để dựng lên các mô hình 3D thông minh.
Dựng mô hình 3D trong bảo tồn và phục hồi Di sản
Quét 3D (còn được gọi là mô hình BIM Điểm đám mây) là công nghệ đem tới sự thay đổi to lớn trong việc thực hiện các công việc liên quan tới bảo tồn Di sản. Với công nghệ này, các công trình sẽ được quét nhờ vào một máy scan laser công nghệ cao. Dữ liệu sẽ được thể hiện qua hàng tỉ điểm trong không gian ba chiều; khi các điểm này được hợp nhất thì chúng sẽ tạo nên một mô hình chi tiết với các thông tin chính xác về công trình.
Một ví dụ thực tiễn
Để hiểu hơn về cách áp dụng công nghệ Điểm đám mây vào quá trình bảo tồn, hãy xem xét việc bảo tồn một nhà thờ cổ tại Hoa Kỳ. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỉ XIX và từng là nơi nổi tiếng dành cho các buổi cầu nguyện. Công nghệ quét laser đã được sử dụng trong việc dựng mô hình 3D cho công trình. Sau khi hoàn thành quá trình quét laser, mô hình điểm đám mây sẽ được dựng lên. Mô hình điểm đám mây cùng với hình ảnh 360 độ sẽ là tiền đề để dựng nên một mô hình 3D chính xác.
Việc quét công trình sau khi hoàn tất sẽ được liên kết vào Revit. Công cụ Mirror balls cho phép các nhóm khảo sát các khu vực của Di sản mà thông tin không được thu thập khi quét. Với sự hỗ trợ của công nghệ 3D Scan, các nhóm thiết kế sẽ tạo được mô hình BIM Kiến trúc của công trình. Mô hình sẽ thể hiện các thông tin như các đường cạnh, các hoạ tiết trang trí với độ chính xác cao – điều mà vốn khó đạt được nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ.
Lời kết
Nhiều tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ đang nỗ lực trong việc bảo tồn các Di sản, cả Di sản Thiên nhiên và Di sản Văn hóa. Các công nghệ về BIM đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong ngành xây dựng, điều này mở ra một chương mới trong việc bảo tồn và gìn giữ các công trình di sản. Mô hình BIM và Điểm đám mây tỏ ra vô cùng hữu hiệu trong việc tạo ra mô hình hỗ trợ cho quá trình bảo tồn. Không chỉ vậy, sau khi hoàn thành quá trình tu sửa, dữ liệu sẽ được cập nhật lại vào mô hình 3D và lưu trữ để có thể tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Người biên dịch: Bùi Duy Anh