Tổng hợp kinh nghiệm áp dụng BIM trên thế giới và hiện trạng áp dụng BIM trong ngành xây dựng Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế xây dựng số 02/2014 của các tác giả TS. Trần Hồng Mai, TS. Nguyễn Việt Hùng, TS. Tạ Ngọc Bình & ThS. Lê Thị Hoài Ân đã tổng hợp kinh nghiệm áp dụng BIM trên thế giới và tổng quát được thực trạng áp dụng BIM tại Việt Nam thời điểm năm 2014. Nhìn lại chặng đường đã qua để chúng ta thấy được những nỗ lực của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc áp dụng và triển khai rộng rãi BIM. Bim.gov.vn xin giới thiệu lại với độc giả toàn bộ bài viết này.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng về khoa học và công nghệ, nhiều công nghệ mới đã được phát triển và được ứng dụng vào trong ngành Xây dựng. Những công nghệ mới này, ở các mức độ khác nhau, giúp tăng năng suất lao động, tăng tính hiệu quả của công việc, giảm lãng phí trong xây dựng. Trong số đó, Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) đã được ngành xây dựng của nhiều quốc gia và được các học giả hàng đầu đánh giá đang và sẽ là công nghệ chủ đạo của ngành xây dựng trong nhiều thập niên sắp tới, đồng thời có khả năng giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay. Theo kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuỳ thuộc vào mức độ áp dụng trong dự án đầu tư xây dựng và loại hình dự án, BIM có thể giúp tiết kiệm được 5% tới 20% tổng chi phí đầu tư ban đầu và có thể giúp tiết kiệm được tới 30% tổng chi phí vận hành bảo trì trong giai đoạn sử dụng.

Tại Việt Nam, hiện nay BIM chủ yếu được triển khai ở các công trình có thiết kế và hệ thống kỹ thuật phức tạp trong đó có cả các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài. Dù nhiều chủ đầu tư nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng BIM, đặc biệt là việc tiết kiệm chi phí trong thi công và vận hành nhưng do một số rào cản ban đầu như chi phí đào tạo và chi phí đầu tư ban đầu cho BIM khá cao dẫn đến chi phí thiết kế cao hơn truyền thống. Thêm vào đó, quản lý dự án sử dụng BIM cũng cần nhân sự hiểu biết về công nghệ này mới có thể tận dụng hết lợi ích mà BIM mang lại. Thiếu nhân lực được đào tạo về BIM cũng là một trở ngại lớn trong nước.

Theo kinh nghiệm các quốc gia đi trước, để BIM được áp dụng nhanh và hiệu quả trong một quốc gia thì các tiêu chuẩn, lộ trình về BIM cần được ban hành từ sớm, trước khi BIM được triển khai rộng rãi một cách tự phát trong ngành xây dựng. Chiến lược và lộ trình rõ ràng cùng với các biện pháp hỗ trợ phù hợp đưa ra từ các cơ quan quản lý xây dựng là những yếu tố chủ đạo đảm bảo sự thành công cho việc áp dụng BIM ở Việt Nam.

1. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BIM TRÊN THẾ GIỚI

Khái niệm BIM xuất hiện từ những năm 1970, tuy nhiên ứng dụng này được biết đến rộng rãi kể từ khi Autodesk (một công ty phần mềm của Mỹ) xuất bản báo cáo nghiên cứu khoa học chuyên sâu biểu diễn kĩ thuật số của quá trình xây dựng vào những năm 1990. Đến nay, BIM được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và chính phủ ở một số nước đã nhận thức được sự cần thiết của việc ứng dụng BIM trong quản lý xây dựng nên đã nhanh chóng thành lập các tổ chức phát triển BIM quốc gia ([1], [3], [4], [5]).

Tại Mỹ năm 2008, Hội đồng dự án BIM (United States™ Project Committee) đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển BIM theo từng ngành, từng bang và trên cả nước, đồng thời công bố tiêu chuẩn quốc gia về BIM (National BIM Standard). Đến này tiêu chuẩn này đã ngày một hoàn thiện và chuẩn bị công bố phiên bản 3. Theo số liệu từ McGraw Hill năm 2011 [2] cho thấy tại Mỹ có 49% chủ đầu tư sử dụng BIM trong các dự án của họ và 47% nhà thầu khẳng định rằng sự giao tiếp của nhà thầu – chủ đầu tư và các nhà thầu khác thông qua BIM được cải thiện đáng kể. Hiện nay, các doanh nghiệp Mỹ đã áp dụng BIM ở mức độ rộng rãi (trên 50% dự án ứng dụng BIM) và khối tư nhân cũng tích cực ứng dụng công nghệ này vì những lợi ích mà nó mang lại.

Trong khi đó, Vương Quốc Anh đã đề ra mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành xây dựng vào tháng 5 năm 2011 là giảm 20% chi phí các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Để đạt được mục tiêu này, tháng 6 năm 2011, chính phủ Anh công bố chiến lược và lộ trình áp dụng BIM trong đó năm 2012 áp dụng thử ở một số dự án công, năm 2013-2015 đẩy mạnh sự áp dụng rộng rãi của BIM và đến năm 2016 đảm bảo tất cả các dự án đầu tư công có vốn từ 5 triệu bảng sẽ ứng dụng BIM ở từng giai đoạn phù hợp. Cũng trong năm 2011, chính phủ Anh thành lập Hội thúc đẩy và thực hiện BIM (Client BIM Mobilization and Implementation) nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia ứng dụng BIM trong các dự án và hướng tới mục tiêu đưa Anh trở thành nước dẫn đầu về công nghệ BIM. Năm 2012, Anh đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về BIM.

Singapore là quốc gia thành công nhất trong việc ứng dụng BIM khi có tiêu chuẩn quốc gia và lộ trình ứng dụng BIM rõ ràng. Chính phủ Singapore thành lập Ban chỉ đạo BIM bao gồm bộ phận hướng dẫn thực hiện BIM, bộ phận pháp lý và hợp đồng, Hiệp hội các nhà quản lý BIM. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ phát triển những tiêu chuẩn và các nguồn lực hỗ trợ BIM để tạo điều kiện hợp tác sử dụng BIM. Đồng thời tư vấn những lĩnh vực cần thiết có thể tiến hành BIM hiệu quả ở cấp độ công ty, dự án hay cả nền công nghiệp. Tháng 5 năm 2012, cùng với Bộ Xây dựng và Công nghiệp, Ban chỉ đạo BIM Singapore đã công bố tiêu chuẩn BIM của Singapore là căn cứ hướng dẫn ứng dụng BIM và chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia khi ứng dụng BIM ở các giai đoạn của dự án. Tháng 8 năm 2013, phiên bản 2 của bộ tiêu chuẩn BIM của Singapore đã được công bố thay thế cho phiên bản 1. Ngoài ra, Singapore còn thúc đẩy các hoạt động học thuật như tổ chức nhiều các hội thảo về BIM, đưa các phần mềm BIM vào giảng dạy, tổ chức các cuộc thi cho sinh viên, có các chương trình thực tập và đề cương tốt nghiệp về BIM ở các trường: Đại học kỹ thuật Singapore, Đại học kỹ thuật Nanyang, Đại học SIM, Đại học Temasek… Singapore cũng thúc đẩy các hoạt động đào tạo nghề như cấp chứng chỉ kỹ năng BIM, chứng nhận BIM Manager…Đến nay có hơn 3.500 chuyên gia được đào tạo các chứng chỉ về BIM bao gồm cả sinh viên và đối tượng khác.

Tại Trung Quốc, dự án đầu tiên sử dụng BIM được hoàn thành vào năm 2008 là sân vận động Tổ Chim ở Bắc Kinh. Cũng vào năm 2008, chính phủ Trung Quốc lập cổng thông tin điện tử về BIM nhằm thúc đẩy sự phát triển của BIM trong ngành Xây dựng. Trong khoảng thời gian này, nhiều cuộc hội thảo, seminar, trao đổi về BIM được tổ chức với sự tham gia của tất cả các bên như chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, nhà nghiên cứu và chính phủ. Năm 2012, Bộ phát triển đô thị, nông thôn và nhà ở ban hành “Kế hoạch phát triển BIM giai đoạn 2011-2015” nhằm nghiên cứu các giải pháp phần mềm và thúc đẩy việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về BIM. Về mặt nghiên cứu, các trường đại học như Thanh Hoa, Đồng Tế, Nam Trung đã lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu về BIM từ những năm 2005. Đến năm 2007, các trường bắt đầu đưa các khóa học sử dụng phần mềm BIM vào giảng dạy. Năm 2012, Trung Quốc đã có đào tạo thạc sỹ chuyên ngành về BIM.

Ngoài ra, một số nước khác cũng đã và đang triển khai tích cực việc xây dựng và áp dụng BIM vào trong ngành xây dựng nước mình như:

  • Tại châu Á thì Hàn Quốc, Hồng Kông là những nước mà khu vực công bắt buộc phải ứng dụng BIM trong ngành xây dựng, cả hai nước đều xây dựng được tiêu chuẩn và lộ trình thực hiện BIM trong tương lai. Ngoài ra thì Malaysia cũng đã có tiêu chuẩn về BIM và có các chương trình đào tạo về BIM trong giảng dạy đại học.
  • Trong khi đó tại Châu Âu, bên cạnh Anh thì Nauy, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch cũng là các quốc gia yêu cầu ứng dụng BIM trong khu vực đầu tư công trong xây dựng.
  • Ngoài ra BIM đang được xây dựng tiêu chuẩn và lộ trình ở một số nước như Pháp, Úc, Đức, Nhật Bản…

Qua đó có thể nói BIM ngày một được ứng dụng rộng rãi và là xu thế phát triển của ngành xây dựng trong tương lai.

2. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG BIM TRONG XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM

2.1. Ứng dụng BIM tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm BIM được biết đến thông qua mạng lưới kiến trúc sư, kỹ sư làm việc cho một số công ty tư vấn nước ngoài, chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế. Sau đó, nhiều nhà thiết kế Việt Nam tập hợp nhau lại thành các nhóm trên các diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm sử dụng các phần mềm công cụ và quy trình trong BIM như Câu lạc bộ Revit Hà Nội, cộng đồng BIM Việt Nam…Các trao đổi của họ chủ yếu xoay quanh các thao tác trong phần mềm chứ chưa hướng đến các giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng BIM một cách có hiệu quả.

Có thể nhận thấy, trong thời gian vừa qua, các nghiên cứu và ứng dụng BIM ở Việt Nam còn tương đối rời rạc và chưa có tính hệ thống. Tuy nhiên, xu hướng ứng dụng BIM trong xây dựng trên thế giới ngày càng mạnh mẽ, do đó các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có những động thái rõ rệt để có thể ứng dụng được những lợi ích mà tiến trình này mang lại.

2.2. Ứng dụng BIM tại các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng

Khái niệm BIM hiện nay chưa thực sự phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Trên thực tế thì BIM cũng chưa xuất hiện trong các văn bản, quy định có liên quan về các công tác xây dựng.

Hiện tại, Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng đang triển khai đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu xây dựng chiến lược thúc đẩy việc sử dụng mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình tại Việt Nam” nhằm mục tiêu đề xuất lộ trình 5 năm (2015-2020) để thúc đẩy việc sử dụng BIM ở Việt Nam. Đề tài cũng là một bước đệm cần thiết, không chỉ phân tích kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng chiến lược và lộ trình áp dựng BIM để đúc rút bài học kinh nghiệm thành công trong điều kiện Việt Nam, mà quan trọng là cầu nối để đưa BIM đến với các nhà làm chính sách của cơ quan quản lý xây dựng cấp cao nhất là Bộ Xây dựng.

2.3. Ứng dụng BIM tại các cơ quan nghiên cứu

BIM được phổ biến ở các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu thông qua các buổi hội thảo, trao đổi học thuật.

Tháng 2 năm 2014, Trường Đại học Xây dựng, chủ trì là Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng đã phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng) và Công ty CP Trung tâm Giải pháp ARCHIBUS Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo “Ứng dụng mô hình thông tin công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình” với khoảng 350 khách tham dự từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và các doanh nghiệp. Tại hội thảo các chuyên gia từ Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện BIM tại Singapore và cùng trao đổi về khả năng ứng dụng BIM tại Việt Nam. Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng đang xúc tiến kết hợp với Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng tiến hành đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược thúc đẩy việc sử dụng mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình tại Việt Nam”.

Tháng 10 năm 2013, tại Hội thảo “Kinh tế và Quản lý xây dựng, những vấn đề lý luận và thực tiễn” phối hợp giữa Bộ Xây dựng và trường Đại học Xây dựng, đại diện từ hiệp hội định giá Hoa Kỳ và TS Nguyễn Việt Hùng, Viện Kinh tế xây dựng, đã giới thiệu khả năng ứng dụng BIM trong công tác đo bóc tiên lượng và lập dự toán trên kinh nghiệm của một số dự án ở California, Hoa Kỳ.

Tháng 3 năm 2012, Trường Đại học Xây dựng đã kết hợp với Đại học Queen’s University of Belfast, Vương quốc Anh tổ chức một seminar về BIM nhằm giới thiệu về công nghệ này đến giảng viên, sinh viên, học viên của Trường và những người làm nghề xây dựng. Hội thảo đã mang lại cho người nghe tổng quan về BIM, và lộ trình cũng như thành tựu áp dụng BIM ở Vương quốc Anh. Sau đó, có một số nghiên cứu giới thiệu về BIM được phổ biến rộng rãi trên các trang web của Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Bộ môn Công nghệ thi công.

Hiện đã có một số nghiên cứu về các bước đi để thành công trong việc ứng dụng BIM theo quan điểm của chủ đầu tư đăng tại Tạp chí Kinh tế Xây dựng vào tháng 10 năm 2013 (tác giả Lê Thị Hoài Ân), và có một báo cáo về lợi ích, rủi ro và thách thức trong việc ứng dụng BIM tại Hội thảo Quản lý xây dựng 2013 lần thứ 12 tổ chức tại Malaysia (tác giả Lê Thị Hoài Ân).

Có thể nói, những nghiên cứu về BIM ở Việt Nam còn khá hạn chế, mới dừng ở giai đoạn phổ biến khái niệm BIM, tuy nhiên những đóng góp ngày một nhiều sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng BIM một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.

2.4. Ứng dụng BIM trong hoạt động của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và các công ty phần mềm

Hầu hết các chủ đầu tư đều chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng BIM vào trong quản lý dự án vì nhiều rào cản trong đó rào cản lớn nhất là chi phí tăng trong khi những lợi ích BIM mang lại thì không phải một sớm một chiều.

Trong cộng đồng thiết kế, có một số rất ít doanh nghiệp thiết kế cũng đã bắt đầu nghiên cứu triển khai BIM trong hoạt động thiết kế của họ, ví dụ như Công ty TVTK VNCC, Nhà thầu xây dựng Hoà Bình, TVTK Contrexim, Nhà thầu cơ điện REE M&E, Công ty Polysius Việt Nam… Một số lượng lớn các công ty đã có kế hoạch đầu tư vào việc xây dựng hệ thống thư viện đối tượng phục vụ việc thiết kế theo chuẩn BIM như công ty TNHH Vinata, Công ty Vinaconex R&D, Bê tông Xuân Mai, hay Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Đại Việt… Tuy nhiên, do chi phí để đầu tư cho việc này khá lớn, chủ đầu tư không có yêu cầu và chưa có lộ trình cũng như những quy định, yêu cầu cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước nên các công ty nói trên cũng chưa có điều kiện để phát triển BIM thành một hệ thống trong hoạt động xây dựng của họ.

Các công ty giải pháp phần mềm về BIM cũng đang có những nghiên cứu để ứng dụng các phần mềm vào mô hình BIM. Công ty cổ phần công nghệ phần mềm Hài Hòa là đơn vị đầu tiên có những phần mềm theo chuẩn IFCs có thể tích hợp hoặc kết xuất những dữ liệu với mô hình BIM. Những ứng dụng của Hài Hòa như quản lý hợp đồng, lập kế hoạch tổ chức thi công, quản lý kế hoạch và cung ứng vật tư, quản lý dòng tiền của dự án, và tổng hợp dữ liệu phục vụ điều hành. Những ứng dụng này được lập phù hợp với các quy trình quản lý dự án của Việt Nam.

2.5. Một số rào cản trong việc ứng dụng BIM tại Việt Nam

Mặc dù việc ứng dụng BIM trong xây dựng đã được chứng minh là xu thế của tương lai, nhưng ứng dụng nó trong điều kiện đặc thù như Việt Nam không phải là điều đơn giản. Điều kiện cơ sở hạ tầng, chính sách pháp lý hay khả năng tài chính đều là những rào cản cho việc phát triển BIM ở Việt Nam.

2.5.1. Thiếu sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật, chính sách và những ràng buộc của tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam.

Ở Việt Nam, các hoạt động xây dựng được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng. Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước (từ 30% tổng mức đầu tư trở lên) sẽ phải tuân theo các quy định, chính sách của nhà nước từ giai đoạn thiết kế, xây dựng cho đến khi vận hành. Như đã chỉ ra ở phần tổng quan, hiện nay chưa có văn bản nào của Bộ Xây dựng có hướng dẫn về việc ứng dụng BIM trong ngành xây dựng.

Ở một số nước ứng dụng BIM thành công, chính phủ luôn đi đầu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ này thông qua việc hỗ trợ tài chính hoặc có chính sách thích hợp. Việc ứng dụng BIM là một quá trình phối hợp đa ngành, đòi hỏi các bên phải thay đổi cách làm truyền thống và cùng hỗ trợ nhau một cách chặt chẽ cũng như trách nhiệm chia sẻ rủi ro trong quá trình thực hiện. Để làm được điều đó cần có văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện hoặc các quy định về hợp đồng phù hợp với chính sách pháp luật Việt Nam.

Hơn nữa, việc BIM chưa được đưa vào trong các văn bản pháp lý sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn hoặc chủ đầu tư trong quá trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự toán, tổng mức đầu tư hay quyết định đầu tư đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước vì chưa có cơ sở để phê duyệt.

Trong quá trình triển khai BIM ở một số đơn vị thiết kế tại Việt Nam, đối với dự án vốn nhà nước thì khó khăn nhất là việc các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế của Việt Nam không thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng trong BIM. Việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với thông lệ quốc tế đang áp dụng trong mô hình BIM phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

2.5.2. Rào cản về mặt tài chính

Ở đây, xét đến tài chính từ cả phía doanh nghiệp và tài chính dành cho quản lý vĩ mô.

Về phía doanh nghiệp, ngoài nguồn vốn dùng cho nâng cấp hệ thống máy tính và mua bản quyền các phần mềm, thì một chi phí đáng kể cho việc đào tạo nhân viên, cũng như chi phí quảng bá cho các sản phẩm của doanh nghiệp và tìm kiếm khách hàng. Theo thông tin của một số công ty cung cấp phần mềm và giải pháp BIM, chi phí cho mỗi phần mềm công cụ BIM ở Việt Nam dao động từ 4.000-5.000 USD/1 tài khoản. Đồng thời để thực hiện được việc mô hình hóa, các kỹ sư thiết kế cần một cấu hình máy tính đủ mạnh với giá trên thị trường khoảng 30 triệu đồng/1 bộ.

Có thể thấy đây là những khoản đầu tư đáng kể, tuy nhiên khi thực hiện các dự án sử dụng vốn nhà nước, trong dự toán của công trình cũng như thiết kế phí cũng chưa có điều chỉnh cụ thể nào.

Về phần quản lý vĩ mô, sẽ cần có các chi phí để xây dựng lộ trình ứng dụng, chi phí đào tạo cán bộ các bộ phận liên quan nắm rõ các ứng dụng BIM, chi phí thuê chuyên gia nước ngoài, chi phí tổ chức các hội thảo để đẩy mạnh sự phát triển của BIM và chi phí đáng kể khác dùng cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý xây dựng chưa thực sự hiệu quả, khối lương/dự toán thiếu chính xác sẽ dẫn đến phát sinh nhiều nghìn tỷ đồng (dự án đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh…). Chi phí này nếu được đầu tư để ứng dụng BIM ngay từ khi bắt đầu dự án, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ứng dụng BIM, với các hiệu quả đã được chứng minh, sẽ thúc đẩy được sự phát triển của BIM đồng thời giúp tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước.

2.5.3. Thiếu nhân lực đã được đào tạo về BIM

Với những điều đã nói ở trên, BIM thật sự là một công nghệ mới, đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về thiết kế xây dựng, quản lý xây dựng, sử dụng phần mềm mà còn có kiến thức làm việc đa ngành và thông tin nhóm (được gọi là BIM user).

Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có một cơ sở chính quy nào đào tạo BIM cũng như cấp các chứng chỉ về BIM. Các kỹ sư chủ yếu tự học qua đồng nghiệp và các nguồn tài liệu trên mạng. Điều này dẫn đến sự thiết hụt nhân lực có kiến thức về BIM cho hiện tại cũng như tương lai. Quan trọng nhất trong các dự án đã thực hiện thành công khi ứng dụng BIM là phải có nhà quản lý BIM (BIM Manager).

Tương tự như nhà quản lý xây dựng, BIM Manager có trách nhiệm quản lý và thúc đẩy tất cả tiến trình cần thiết để tạo lập và quản lý thông tin trong công trình. Công việc quan trọng của BIM Manager là điều phối tất cả thông tin từ các bên liên quan như kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà thầu và các nhà tư vấn. BIM Manager cũng là người điều phối các “điểm đấu nối” của các bên liên quan, xây dựng tiến trình phù hợp để xác định khi nào có mâu thuẫn xảy ra và khi nào thì cần cập nhật thông tin của mô hình. BIM Manager cần thiết phải được đào tạo thường xuyên về những phần mềm BIM mà dự án sử dụng, không nhất thiết phải thành thạo tất cả nhưng phải hiểu về cách thức, mục đích của phần mềm để có thể theo sát quá trình thực hiện của từng phần mềm và giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh. Với khối lượng công việc BIM Manager cần phải giải quyết khá lớn: làm việc với nhiều bộ môn, theo dõi cập nhật các phần mềm, đưa ra những kiến nghị với lãnh đạo công ty để quyết định hướng đi cho dự án, các ứng dụng BIM nào nên được sử dụng, sự làm việc của chúng và việc kết nối của chúng như thế nào trong dự án. Do đó vị trí BIM Manager rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của dự án BIM.

Thực tế ở Việt Nam mới đang phát triển các kỹ sư sử dụng BIM, khi mạng lưới kỹ sư này thực hiện các công việc trên các công cụ BIM riêng lẻ cho các dự án nước ngoài. BIM manager với những đặc điểm như đã kể trên vẫn đang là một rảo cản lớn khi áp dụng BIM ở Việt Nam.

2.5.4. Chưa có chương trình đào tạo về BIM

Đào tạo BIM nói chung và đào tạo kiến thức BIM cho sinh viên nói riêng là bước đệm rất lớn cho sự phát triển của BIM ở Việt Nam. Điều này, giúp sinh viên bắt kịp với xu thế của thế giới, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực sử dụng BIM trong ngành. Tại Mỹ, việc đào tạo BIM đã bắt đầu từ những năm 1990 [6], đảm bảo sự phát triển bền vững cho công nghệ này với nguồn nhân lực có chất lượng và luôn sẵn sàng cung cấp cho thị trường. Tại Singapore, Malaysia hay Hàn Quốc, những nước cùng khu vực với Việt Nam, cũng đã có các khóa học về BIM trong chương trình giảng dạy đại học và các khóa ngắn hạn khác, đã thúc đẩy việc sử dụng BIM trong cộng đồng kỹ sư và nhà quản lý sau khi họ ra trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có trường đại học hoặc viện nghiên cứu nào có những khóa học về BIM trong chương trình đào tạo. Một số trung tâm đào tạo của các nhà phân phối như Autodesk, Tekla chủ yếu phục vụ việc đào tạo cách sử dụng phần mềm, tức là đào tạo ra BIM user.

Theo kinh nghiệm của Singapore, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần đưa ra chương trình khung đào tạo về BIM và các yêu cầu về năng lực đào tạo đối với các cơ sở đào tạo.

3. KẾT LUẬN

Khả năng hợp nhất thông tin từ tất cả các công đoạn làm BIM ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của ngành xây dựng để tối ưu hoá việc thiết kế, thi công và quản lý việc vận hành công trình.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các quốc gia đi trước, để BIM được áp dụng nhanh và hiệu quả trong một quốc gia thì các tiêu chuẩn và lộ trình về BIM cần được ban hành từ sớm, đặc biệt là trước khi BIM được triển khai rộng rãi một cách tự phát trong ngành xây dựng. Chiến lược và lộ trình rõ ràng cùng với các biện pháp hỗ trợ phù hợp đưa ra từ các cơ quan quản lý xây dựng là những yếu tố chủ đạo đảm bảo sự thành công cho việc áp dụng BIM ở một quốc gia.

Trên đây cũng là các cơ sở để Viện Kinh tế xây dựng đề xuất và thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng, và quản lý công trình tại Việt Nam” nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành xây dựng, giúp tìm hướng giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình và tăng tính cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực đã có những bước tiến đáng kể trong áp dụng mô hình thông tin công trình. Kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp, nội dung cụ thể về định hướng và quản lý việc áp dụng BIM trong ngành xây dựng vòng 5 năm tới với tầm nhìn 10 năm tiếp theo. Là cơ sở để các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, doanh nghiệp sử dụng trong việc xây dựng chiến lược và lộ trình chi tiết cho việc áp dụng BIM vào các lĩnh vực ngành xây dựng Việt Nam.