Truyền thông di động đã tiến những bước rất dài, từ một dịch vụ giúp kết nối từng thiết bị một đến khả năng kết nối hàng tỉ thiết bị cùng một lúc với nhau như hiện nay. Với việc IoT đang từng bước hiện diện trong cuộc sống, ta thấy được sự cần thiết phải tạo ra một nền tảng giao tiếp chung cho tất cả mọi người cũng như thiết bị. Khi mọi thứ được kết nối với nhau cũng là lúc ta thấy được tiềm năng để khai thác các dữ liệu này thành thông tin và sử dụng chúng một cách có ích.
Đây cũng là lúc ta thấy được tầm quan trọng của 5G. 5G hay hệ thống mạng không dây thế hệ thứ 5 là công nghệ đem đến khả năng truy cập thông tin không giới hạn cũng như kết nối tốc độ cao. 5G chắc chắn không giống như bất cứ tiêu chuẩn kết nối nào khác từ trước tới nay bởi vì yêu cầu đặt ra cho 5G sẽ hoàn toàn khác so với các hệ thống mạng thế hệ trước. Trong khi mạng 1G tới 4G tập trung vào nâng cao khả năng kết nối thì 5G lại hướng tới sự thông minh của các thiết bị.
Tầm quan trọng của 5G
5G không chỉ chịu trách nhiệm cho việc nâng cao kết nối giữa các thiết bị di động mà còn giúp mở rộng dung lượng băng thông. Không chỉ vậy, 5G có khả năng giải quyết các vấn đề gặp phải khi kết hợp máy tính và các thiết bị kết nối với nhau, giúp thông tin được kết nối thông suốt và có thể truy cập được trên tất các các thiết bị IoT. 5G đem tới cuộc cách mạng cho các thiết bị truyền dẫn không dây và mở ra những cơ hội chưa từng có, ví dụ như thành phố thông minh, xe tự lái và nhất là Internet of Things.
Tốc độ băng thông rộng sẽ tăng lên đáng kể nhưng hơn thế nữa, mạng 5G đem tới những quy chuẩn để các hoạt động khi kết nối với nhiều người và thiết bị vẫn có thể diễn ra mà tốc độ truyền dẫn không bị ảnh hưởng. Tốc độ mạng 5G sẽ dao động trong khoảng vài gigabytes trên giây; nhưng lợi ích lớn nhất mà 5G đem lại là khả năng cải thiện độ trễ mạng (latency), điều vô cùng thiết yếu để thúc đẩy IoT. Mạng 4G có độ trễ vào khoảng 40ms và 60ms, vốn rất tốt nhưng lại chưa đủ cho các hoạt động theo thời gian thực. Trong khi đó, mạng 5G có độ trễ chỉ từ 1ms tới 10ms – con số lí tưởng để thực hiện yêu cầu như vậy.
IoT và 5G
IoT đang dần hiện diện trong dời sống chúng ta với rất nhiều tiện ích và thiết bị có thể kết nối với nhau, nhưng đồng thời đem tới áp lực cho hệ thống băng thông hiện tại. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào cũng cần tăng dung lượng mạng do hệ thống mạng đang sử dụng đã bị nghẽn bởi dữ liệu và thông tin sẵn có. Dung lượng băng thông của mạng 4G hiện tại không đủ để đáp ứng các yêu cầu nên cần có sự chuyển đổi sang băng thông của mạng 5G nhằm phát huy tối đa các tiềm năng của IoT. Chẳng hạn, mạng 5G cho phép người dùng tải nhiều phim với chất lượng HD cùng lúc chỉ trong vài giây; và đó mới chỉ là điểm khởi đầu trong các tiềm năng mà mạng 5G có thể đem lại.
Phổ tần số sóng vô tuyến hiện nay mà chúng ta sử dụng đang ngày càng trở nên chật chội. 5G sẽ giúp cải thiện hệ thống hiện tại và giúp nhiều kênh radio hoạt động cùng một lúc với mức băng thông được nâng cao và độ trễ mạng thấp hơn. Thực tế thì những điều trên có thể xảy ra ở mức sử dụng năng lượng thấp, nghĩa là các vật vô tri nhưng được gắn cảm biến hoàn toàn có thể giao tiếp và tương tác với nhau mà không có sự chậm trễ nào.
5G và IoT đem đến sự thay đổi
Vào cuối năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 50 tới 100 tỉ thiết bị được kết nối Internet. Các thiết bị đó bao gồm từ tablet, smartphone tới xe hơi, tủ lạnh, đồng hồ thông minh hay thậm chí cả quần áo thông minh. Một số thiết bị trên sẽ yêu cầu sự truyền dữ liệu qua lại, trong khi một số khác thì cần ít hơn. Mạng 5G cũng cung cấp khả năng thích ứng cho cơ sở hạ tầng băng thông để đáp ứng theo yêu cầu của người dùng cũng như tùy theo từng tình huống.
Công nghệ 5G vẫn còn trong giai đoạn phát triển nhưng hứa hẹn sẽ đưa vào thực tế nhiều ứng dụng chưa từng có trước đây. Nhưng ở chiều hướng khác, bảo mật dữ liệu sẽ là lĩnh vực cần tập trung khi triển khai mạng 5G. Với nhiều thiết bị kết nối Internet và thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng, vấn đề an ninh và bảo mật trở thành mối quan tâm hàng đầu. Các thiết bị lưu trữ thông tin cá nhân khi kết nối mạng 5G sẽ dễ bị tấn công, qua đó đặt ra yêu cầu cho mạng 5G cần tạo ra các kho dữ liệu, cơ sở lưu trữ nhằm bảo về tất cả các dữ liệu quan trọng khỏi các cuộc tấn công mạng.
(Theo InternetofThingsWiki)