Ghi chú: Những chia sẻ trong bài viết này hoàn toàn là quan điểm của người viết dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy khi làm việc và trao đổi với nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau từ tư vấn thiết kế tới nhà thầu và chủ đầu tư.

Hiện nay, ở Việt Nam thuật ngữ BIM có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều người, có thể còn nhiều người chưa hiểu rõ về BIM nhưng ít nhất là họ cũng đã từng nghe ai đó đề cập tới thuật ngữ này. BIM được hình thành với mục tiêu cải thiện mọi khâu trong quá trình tạo ra và sử dụng một công trình từ thiết kế tới thi công và vận hành công trình. BIM rõ ràng có ảnh hưởng lớn to lớn tới mọi thành phần trong ngành xây dựng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, từ đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công cho tới chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý vận hành. Với tác động rộng khắp và toàn diện như vậy, để triển khai BIM rõ ràng là không dễ dàng cũng như khó có thể thành công trong một sớm một chiều được. Ứng dụng BIM vào các hoạt động của doanh nghiệp giống như một cuộc đua đường dài gồm nhiều chặng và ngốn nhiều thời gian, nguồn lực. Và trong cuộc đua đó sẽ có vô vàn thử thách, trở ngại mà nhiều doanh nghiệp đã không thể vượt qua được ngay từ những chặng đầu tiên. Nếu công ty của bạn đang cân nhắc việc tham gia cuộc đua này, sẽ rất hữu ích nếu các bạn có thể hiểu thêm một chút về lộ trình đường đua và các vấn đề mà công ty bạn có thể đối mặt trước khi bắt đầu. Với mục đích đó, bài viết này mô tả một số thử thách, khó khăn mà tôi cho là rào cản đầu tiên mà đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp phải trong quá trình triển khai BIM. Các doanh nghiệp đề cập ở đây có quy mô trên 10 người, có dự án với quy mô 20.000 m2 sàn trở lên. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn điều kiện ở trên có thể không gặp phải các khó khăn này.

Các thử thách sẽ được sắp xếp vào bốn nhóm bao gồm những thử thách về chính sách, về con người, về quy trình và thử thách về công nghệ. Ngoài ra thử thách trong bốn nhóm này cũng có thể phân loại thành hai nhóm thuộc tính là thử thách mang tính chủ quan và khách quan.

Thử thách đầu tiên xuất phát từ nội tại của doanh nghiệp hoặc dự án.

Sức khỏe và văn hóa doanh nghiệp (hoặc dự án) thiếu lành mạnh.

BIM là một giải pháp giúp cải thiện chất lượng và năng suất của các hoạt động dự án, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, BIM không phải là cây đũa thần hay liều thuốc tiên có thể giải quyết tất cả các vấn đề của doanh nghiệp đặc biệt là các vấn đề về quản trị, điều hành. Nếu doanh nghiệp có một nền tảng kinh doanh không vững chắc, tham gia vào các dự án có rủi ro cao – chủ đầu tư không minh bạch, thiếu kinh nghiệm, pháp lý dự án không rõ ràng, các chỉ số tài chính như khoản phải thu quá lớn, dòng tiền yếu, v.v. Liệu bạn có cho là họ sẽ hoàn tất cuộc đua BIM với một thể trạng như vậy? Tôi cho rằng việc hoàn thành dự án theo cách thông thường, truyền thống thôi đã là một may mắn đối với họ.

Nếu doanh nghiệp có một môi trường làm việc có yếu tố “phe cánh” tiêu cực hoặc một cấu trúc mà những nhân viên được đánh giá chỉ dựa vào thâm niên hay mối quan hệ thay vì năng lực và kết quả công việc thực, hoặc doanh nghiệp có nền văn hóa thiếu minh bạch, trì trệ thì rõ ràng việc chấp nhận BIM đã là một khó khăn chứ chưa nói tới việc triển khai. Ở cả hai trường hợp trên, việc ứng dụng BIM là vô nghĩa và không có thành quả nếu các vấn đề đã nêu chưa được giải quyết.

Mức độ trưởng thành (hay sẵn sàng) của thị trường.

Số lượng dự án triển khai BIM chính thức hay nói cách khác là các dự án có yêu cầu bắt buộc thực hiện BIM hiện nay khá thấp. Nếu BIM không được đưa vào những yêu cầu bắt buộc thì công ty của bạn chỉ có thể áp dụng BIM một cách đơn lẻ, hạn chế hay ứng dụng ở cấp độ thấp vào dự án, đa số phục vụ trong nội bộ công ty của bạn. Và doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, đầu tư nhiều nguồn lực hơn để có thể thực hiện BIM và thực hiện có hiệu quả (Đặc biệt là các nhà thầu).

Ngay cả với các dự án “có tiếng” là thực hiện BIM chính thức, các quy định và kế hoạch triển khai vẫn còn khá rập khuôn, cứng nhắc theo các tiêu chuẩn trên thế giới mà không phản ảnh đúng điều kiện của dự án và phù hợp với năng lực của các bên liên quan. Điều này làm lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả đang kể của hệ thống BIM, gây thiệt hại cho dự án và “tiếng xấu” cho BIM.

Vậy mức độ trưởng thành của thị trường BIM ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Thật khó để có câu trả lời chính xác. Cho tới nay, chưa có một báo cáo hay thống kê nào trên thế giới cũng như ở Việt Nam về tình hình áp dụng BIM ở Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, cũng rất khó để đưa ra nhận định về tổng quát thị trường. Nhưng nếu chia nhỏ thị trường BIM theo mức độ ứng dụng từ thấp tới cao (từ lonely little bim tới SOCIAL BIG BIM – xin tham khảo bài viết trước của tôi), tôi có thể mạo muội đưa ra một ít đánh giá chủ quan như sau.

Đối với mức độ lonely little bim, theo đường cong lan truyền đổi mới của Everett Rogers (hay đường cong hình chuông Rogers), thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn kết thúc của Early Adopters và bắt đầu chuyển qua Early Majority. Và chủ yếu, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang ứng dụng BIM ở cấp độ này.

Hình minh họa Rogers Bell Curve. Nguồn: E.M.Roger – Diffusion of Innovation. Redrawn by http://eliteagent.com.au/the-innovation-bell-curve/

Ở cấp độ lonely BIG BIM, có chỉ có một số lượng hữu hạn doanh nghiệp đang thực hiện ở Việt Nam cho tới thời điểm này, có lẽ là dưới 1% thị trường. Còn các cấp độ cao hơn thì số lượng dự án hay doanh nghiệp triển khai chỉ đếm được trong bàn tay. Nếu tình hình thực tế giống như những phỏng đoán này, thì rõ ràng thị trường BIM hiện nay chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của quá trình, và cũng là giai đoạn khó khăn nhất.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, với một số văn bản chính thức từ các cơ quan nhà nước thể hiện kế hoạch sẽ triển khai BIM rộng rãi trong tương lai, hy vọng sẽ trở thành một cú hích mạnh giúp thúc đẩy sự phát triển hay độ trưởng thành của thị trường BIM Việt Nam.

Thiếu cam kết từ lãnh đạo doanh nghiệp và các cấp quản lý.

Khi ứng dụng BIM lần đầu, hầu hết mọi người đều mong muốn và trông đợi sẽ nhận được nhiều lợi ích và thành quả cho những nỗ lực và đầu tư của mình. Và hầu hết đều tỏ ra hân hoan như cảm giác sắp được cầm tận tay món hàng tuyệt vời mà mình đã đặt mua hàng tháng trời trên mạng. Kết quả thường là vỡ mộng! Đáng buồn thay trong đa số các trường hợp, kết quả cuối cùng thường là trái ngược hoàn toàn với những gì mọi người trông đợi ban đầu. BIM khi lần đầu triển khai sẽ khiến công việc bạn đang làm phức tạp hơn, khối lượng công việc phải làm nhiều hơn, bản vẽ, mô hình tạo ra mất nhiều thời gian han, bạn sẽ mệt mỏi, căng thẳng hơn. Nói chung cảm giác cuộc sống và công việc có khi còn tệ hơn trước đây. Chắn hẳn đa số mọi người sẽ đặt nghi vấn cho cái em BIM này!? Nhiều doanh nghiệp cũng bỏ của chạy lấy người sau “tuần trăng mật” không mấy êm ả này. Đối với các doanh nghiệp đang bấn loạn do bị mắc kẹt hoặc “các anh” đang dự định tiến tới “hôn nhân” với “người đẹp” BIM, xin đừng lo lắng, điều này là hoàn toàn bình thường. “Things will get worse before they get better”, những ai hiểu rõ quy luật Murphy hẳn không có gì ngạc nhiên. Việt Nam ta cũng có thành ngữ “Vạn sự khởi đầu nan” để tóm gọn vấn đề. Đây không phải câu nói suông để an ủi khi bạn gặp khó khăn, thất bại. Tên khoa học đầy đủ của sự “vỡ mộng” này là J-curve effect, hiệu ứng đường cong chữ J khi một thay đổi hay cải tiến được thực thi trong hệ thống, được mô tả như trong biểu đồ dưới đây.

Hình minh họa The J-Curve Effect. Nguồn: David Viney

Kết quả trong thời gian đầu của quá trình thực hiện sự thay đổi luôn là một sự sụt giảm về mặt hiệu suất và kết quả. Với điểm đáy của hố sụt được gọi với cái tên mỹ miều “The valley of death”. Vì sao trong giai đoạn đầu, mọi thứ lại tệ hơn trước đây. Rõ ràng, triển khai hệ thống mới (ở đây là BIM), tức là bạn đã bỏ đi hệ thống cũ. Bạn mang tới sự bất ổn và thay đổi cho một hệ thống (cũ) đã được triển khai ổn định từ lâu và trở thành một thói quen. Mọi người cần có thời gian để làm quen và thành thạo với một hệ thống mới.

Một hình ảnh phổ biến ở các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu làm BIM như sau. Sau thời gian thiết kế bằng mô hình BIM, các vấn đề bắt đầu phát sinh, lịch họp, lịch nộp bài bắt đầu tới dồn dập. Các vấn đề hầu như quá khó với một team mới hình thành, ngay cả với những thành viên nhiều kinh nghiệm với BIM hay phần mềm nhưng trong hoàn cảnh deadline ngặt nghèo cũng khó mà xoay xở kịp. Dự án càng lớn, càng phức tạp thì áp lực và độ stress càng cao. Chuyên gia phần mềm hay chuyên gia BIM nhiều khi cũng đành bó tay. Lúc này là thời điểm của những thiên tài cứu hộ ra tay, đủ mọi giải pháp tình thế, mà từ chuyên môn thường gọi là lụi, được tung ra. Từ lụi mặt bằng, lụi mặt cắt, cho tới lụi số (kích thước hoặc bảng chỉ tiêu quy hoạch/ diện tích). Nhân viên quay ra hỏi sếp: “Giờ sao anh?” – Sếp: “Thôi cái này giờ làm CAD đi! Còn bảng chỉ tiêu làm đại excel” hay kinh điển hơn nữa là “Cách nào cũng được tụi em, miễn có bài thôi!” Cuối cùng, cả nhóm cũng đành trở lại với lối làm việc truyền thống để có thể giải quyết những vấn đề trước mắt. Và tình trạng này lặp lại ở nhiều dự án tiếp theo sẽ làm kế hoạch BIM có có nguy cơ phá sản.

Thiếu cam kết về mặt chiến lược, tài chính và thời gian từ ban lãnh đạo và các quản lý cấp trung cho dù trong hoàn cảnh nào, sẽ góp phần đưa công cuộc cách mạng BIM kết thúc ở “The valley of death”.

Thiếu đầu tư nguồn lực

Sự cam kết mang tính hình thức mà thiếu những hỗ trợ về mặt chính sách hay đầu tư cũng là một thử thách không nhỏ cho quá trình thực hiện BIM, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Đầu tư được đề cập ở đây bao gồm đầu tư cho con người và cho hệ thống. Triển khai BIM trong giai đoạn đầu là một công việc đầy khó khăn, nó chỉ dành cho những người thông minh, chăm chỉ, lỳ lợm, và có tinh thần cầu tiến. Hay ít ra là được dẫn dắt bởi những người có tố chất này. Đó là sân chơi của những tay “không phải dạng vừa đâu”. Nghe ra giống như một đội đặc nhiệm vậy! Có lẽ cũng đúng. Đã có nhiều nhóm với những cái tên rất ngầu như UK BIM Crew, BIM Squad, Gang of BIM, v.v. đã ra đời. Và để tuyển dụng và xây dựng một “đội đặc nhiệm” BIM như vậy cũng cần những chính sách đặc biệt. Chế độ lương, thưởng theo kết quả thực hiện, những ưu đãi về thời gian làm việc, phụ cấp, đào tạo,v.v. cần được xây dựng và triển khai đầy đủ. Chương trình đào tạo kết hợp thực hiện dự án cho nhóm này cũng cần được thi hành. Doanh nghiệp cũng cần một khoản đầu tư cho phần mềm và nâng cấp phần cứng. Ngân sách dành cho các khoản đầu tư này luôn là một vấn đề nhức nhối của hầu hết các doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam. Nhiều đơn vị lựa chọn đầu tư cho 1 hoặc 2 phần và bỏ qua các phần khác. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận thiếu sót, không khác gì trang bị súng hạng nặng, mà lại không cho đạn vậy! Tốt hơn hết nên trang bị loại vũ khí vừa phải với nhiệm vụ, huấn luyện kỹ càng, cung cấp đầy đủ đạn dược, trang bị thêm các loại “đồ chơi” nếu cần và trao thưởng cho từng mục tiêu hoàn thành.

Thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng

Dạo quanh một vòng các nhóm liên quan tới BIM và các phần mềm trên facebook, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy vô số tin tức tuyển dụng các ứng viên có kĩ năng Revit hay BIM. Cộng thêm gần đây, các cơ quan nhà nước đã công bố những văn bản cho thấy BIM đang dần trở thành những yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới. Điều này dẫn đến nhu cầu nhân sự với kĩ năng và kinh nghiệm BIM sẽ còn tăng cao trong tương lai. Tuy nhiên, lực lượng lao động có kĩ năng thực còn khá hiếm. Doanh nghiệp của bạn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm người đủ điều kiện chứ chưa nói tới nhân tài. Do nhu cầu thì tăng cao mà cầu không đáp ứng được dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, một trong số đó là công ty bạn có thể gặp phải những lao động chất lượng thấp.

Đa số nhân sự hiện tại trong ngành tỏ ra thờ ơ và mang tâm lý chờ đợi trong việc học hỏi, trau dồi về BIM (có thể một phần là do chưa có chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn từ phía doanh nghiệp). Nguồn nhân lực tốt nhất (đặc biệt là các vị trí leader trở lên) để thực hiện BIM nên tới từ nội bộ doanh nghiệp, nhưng điều này hiện nay là bất khả thi với lý do như ở trên.

Nguồn nhân lực chấp nhận và học hỏi về BIM, thì lại chưa đủ chất lượng và độ chín. Do quá nóng vội và do sự mời gọi và mức lương hấp dẫn từ các doanh nghiệp khác mà sinh ra ảo tưởng sức mạnh, dễ sinh ra tự mãn hoặc làm việc chụp giựt. Nhiều anh em đã vội vàng lập ra những nhóm hoặc công ty để outsource các dịch vụ, chăm chỉ lấy tiền mà không quan tâm tới chất lượng công việc. Kết quả lâu dài là sẽ dậm chân tại chỗ hoặc sẽ bị đào thải do không tạo ra kết quả thực.

Vấn đề thiếu nguồn lực một phần cũng do thiếu các cơ sở đào tạo có chất lượng. Đa số các trung tâm trên thị trường hiện nay đều đào tạo phần mềm là chủ yếu. Và chất lượng đào tạo của hầu hết các trung tâm này chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn sử dụng phần mềm, tính ứng dụng thực tế hoàn toàn thiếu. Trung tâm đạo tạo về quy trình BIM hiện nay ở Việt Nam còn khá hiếm, theo tôi biết mới có TBF Academy là có khóa học này. Hãy giúp tôi cập nhât thêm các trung tâm có đào tạo chương trình về BIM mà không phải là hướng dẫn phần mềm bằng cách comment bên dưới. Với sự thiếu thốn trong trong khâu đào tạo như vậy, vấn đề nhân sự có lẽ sẽ còn nhức nhối dài dài.

Nhận thức thiếu sót về BIM và cách áp dụng BIM. (Hay là Nhận diện sai lầm các vấn đề của dự án mà BIM có thể giải quyết.)

Hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn suy nghĩ BIM chỉ là hệ thống phần mềm mới, cài đặt, đào tạo nhân viên xong là có thể triển khai BIM! Và cho là đây chỉ là vấn đề của IT! Kết luận: công tác tuyên truyền về BIM chưa đến được đầy đủ với những vị lãnh đạo này. Và BIM rõ ràng cũng sẽ không có tương lai tươi sáng ở những đơn vị này.

Đối với những doanh nghiệp đã có những hiểu biết đúng về BIM thì lại gặp các vấn đề về việc áp dụng vào doanh nghiệp hoặc các dự án của họ. Như là sai lầm trong việc lựa chọn cách thức đưa BIM vào dự án.

Ví dụ như hầu hết mọi doanh nghiệp đều quan tâm tới tính chính xác của việc bóc tách khối lượng trong hệ thống BIM. Vì khối lượng liên quan tới giá/chi phí, mà chi phí chính là tiền. Lợi ích là quá rõ ràng và hấp dẫn, khối lượng của thiết kế sẽ được bóc nhanh hơn với độ chính xác cao, có thể giúp chủ đầu tư kiểm soát chi phí, tránh lãng phí trong dự án. Thế là 5D BIM được quan tâm hàng đầu và được nhiều đơn vị áp dụng ngay mà bỏ qua một bước quan trọng BIM Coordination. Đúng là bạn có thể trích xuất khối lượng của mọi đối tượng trong mô hình BIM với độ chính xác gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, chỉ dựng mô hình lên và lấy khối lượng từ mô hình mà chưa qua một bước quan trọng Coordination là một thiếu sót. Bạn thử nghĩ xem liệu một bảng khối lượng chính xác của một thiết kế còn nhiều sai sót và xung đột giữa các bộ môn có hiệu quả có cao không!? Điểm tốt là nhờ có mô hình BIM mà mỗi khi thiết kế có sự thay đổi, thì chúng ta có thể thấy ngay khối lượng của vật liệu hay thiết bị thay đổi ra sao và từ đó biết được chi phí tăng giảm thế nào. Điều này giúp chủ đầu tư sẽ ra quyết định chính xác hơn trong việc lựa chọn các phương án thiết kế xét trên tiêu chí về giá. Tuy nhiên, làm 5D BIM mà không qua BIM Coordination thì sự lãng phí gây ra bởi các vấn đề thiết kế vẫn tồn đọng, Request for information (RFI), Variation Order (VO) trong quá trình thi công vẫn nhiều và thất thoát vẫn cao. Thiếu sót này thường gặp ở các chủ đầu tư và một số ít nhà thầu.

Sơ đồ bên dưới thể hiện giá trị của từng ứng dụng/công tác BIM và công sức bỏ ra để hoàn thành từng công tác đó.

Hình minh họa The value of BIM. Nguồn: TBF Academy.

Một ví dụ khác về rập khuôn trong cách thực hiện BIM trong các đơn vị tư vấn thiết kế, là cách tổ chức file mô hình và triển khai hồ sơ bản vẽ. Một tư vấn thiết kế kiến trúc sau khi tham khảo mô hình BIM và cách thức các bản vẽ được triển khai và quản lý từ một công ty kiến trúc lớn và có tiếng chuyên thiết kế cao ốc văn phòng, đã áp dụng cách làm này cho một dự án thiết kế khuôn viên trường đại học với năm khối chức năng chính. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, file mô hình của dự án trường học đã gặp rắc rối với việc truy cập và tốc độ xử lý quá chậm. Sau nhiều lần audit và xử lý nhưng kết quả vẫn không hề khả quan. Chuyện gì đã xảy ra với dự án trường học khi mà nó được thực hiện theo cùng một cách và thiết bị của hai công ty đều có cấu hình tương đương. Câu trả lời khả dĩ là có rất nhiều vấn đề có thể là nguyên nhân gây ra sự khác biệt này. Đầu tiên là do đặc thù khác biệt của công trình văn phòng cao tầng và trường học. Cao ốc văn phòng đơn lẻ thường được bố cục tập trung, theo chiều cao, bố trí nội thất mặt bằng ít chi tiết (chỉ có lõi thang và WC.), dẫn tới mô hình có ít đối tượng hoặc nhiều đối tượng nhưng lặp lại (ít family trong Revit). Phức tạp nhất của cao ốc văn phòng có lẽ là facade và hầm, móng. Ngược lại, công trình trường học của công ty nọ lại có dạng nhiều khối phân tán, thấp tầng, bố cục thường trải rộng theo phương ngang. Mặt bằng của trường học này lại có nhiều chi tiết hơn, số lượng đối tượng, vật liệu và loại đối tượng trong mô hình trường học nhiều hơn hẳn cao ốc văn phòng mà công ty tư vấn nọ đã học tập. Chưa kể phần cảnh quan của trường học rất phong phú với các loại địa hình, hardscape và cây xanh. Vấn đề thứ hai liên quan tới con người. Thực hiện dự án là hai nhóm khác nhau ở hai doanh nghiệp khác nhau với trình độ và các thói quen thiết kế và quy trình làm việc khác nhau. Cho dù cùng một cách tổ chức file nhưng kết quả cho ra sẽ khác biệt. Ngoài ra, tiến độ thực hiện của hai dự án cũng không giống nhau, và còn một số vấn đề khác nữa.

Do đó, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp nhưng áp dụng máy móc vào đơn vị mình mà không quan tâm đầy đủ tới các yếu tố đặc thù của doanh nghiệp mình là một thiếu sót lớn. Luôn có hơn một cách để thực hiện hoặc tổ chức mô hình BIM, hãy cố gắng nắm bắt các cách và lựa chọn cẩn thận phương án phù hợp cho từng dự án. Bạn sẽ vượt qua được thách thức này.

Lựa chọn các gói phần mềm phù hợp.

Phần mềm hay rộng hơn là công nghệ là một phần quan trọng góp phần hiện thực hóa những ý tưởng của BIM. Nó chính là vũ khí và những công cụ giúp con người thực thi được những quy trình mới, cách làm mới giúp cho quá trình thiết kế và xây dựng hiệu quả hơn, giúp tạo ra nhiều công trình với chất lượng ngày càng tốt hơn. Thiếu hụt các công cụ hoặc không làm chủ được các công cụ đều không thể tạo ra kết quả khả quan trong hệ thống BIM.

Hiện nay, trên thj trường thế giới, số lượng phần mềm với nền tảng BIM khá phong phú, từ Mỹ, Châu Âu cho tới Châu Á, với nhiều nhà cung cấp từ những đại gia như Trimble, Autodesk, Nemetschek (Graphisoft, Solibri) Bentley, v.v. cho tới hằng trăm third party với quy mô nhỏ hơn có thể dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, mọi người vẫn còn quen với các sản phẩm của Autodesk, tuy nhiên với sự kết nối ngày càng cao với thế giới, các doanh nghiệp Việt đang có điều kiện tiếp cận nhiều lựa chọn hơn. Vấn đề ở đây có lẽ chỉ là lựa chọn những phần mềm phù hợp với mục đích sử dụng và hợp với túi tiền mà thôi. (Ở đây không đề cập tới tiêu chí sản phẩm bẻ khóa được!)

Đa số các doanh nghiệp dưới tác động của các chương trình marketing hoành tráng hoặc chăm chăm soi bảng báo giá của hãng mà không đánh giá kĩ những tính năng của sản phẩm có phù hợp với đặc thù của các dự án hoặc phong cách thiết kế của doanh nghiệp mình.

Ví dụ, với tiêu chí tiện lợi cho thiết kế chi tiết thép được đạt lên hàng đầu, một đơn vị tư vấn kết cấu hoặc nhà thầu chuyên làm công trình nhà xưởng kết cấu thép lại chọn sử dụng Revit Structure thay vì Tekla (giả sử doanh nghiệp này sử dụng phần mềm có bản quyền).

Hay trường hợp khác, một đơn vị tư vấn kiến trúc chuyên công trình cao tầng có phong cách thiết kế mặt đứng vặn vẹo nhiều đường cong lại chọn sử dụng Sketchup thay vì Rhinoceros cho công tác binh khối và thiết kế mặt đứng.

Ngoài ra, một trong những lầm tưởng phổ biến một số doanh nghiệp mắc phải đó là chỉ cần sử dụng một phần mềm duy nhất (thường là Revit) cho toàn bộ công tác hoặc toàn bộ quá trình. Điều này chỉ đúng nếu bạn làm việc solo, hoặc các doanh nghiệp siêu nhỏ với quy mô dự án cũng siêu nhỏ. Một số công tác điển hình của nhiệm vụ thiết kế kiến trúc như sau: binh hình khối, ý tưởng – ra mặt bằng, mặt cắt sơ phác – render phối cảnh – ra các bảng thông số diện tích (GFA, NFA) – bản vẽ thiết kế chi tiết, v.v. Nếu bạn làm việc với điều kiện như ở trên, công trình của bạn nhỏ, hình khối đơn giản, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành tất cả các bước trên chỉ với một phần mềm duy nhất (giả sử Revit). Nhưng thông thường, đa số mọi người sẽ sử dụng ít nhất là hai phần mềm cho cùng công việc là Sketchup cho việc binh khối và render, Revit hoặc ArchiCAD cho việc ra hồ sơ. Một phương án cũng phổ biến là Sketchup cho dựng khối, Revit hoặc ArchiCAD cho dựng chi tiết và các bản vẽ, 3ds max cho việc render. Đối với các dự án với quy mô lớn hơn và có nhiều công tác phức tạp hơn, số lượng phần mềm sẽ càng tăng lên. Và đó là điều tất yếu của cuộc sống. Sử dụng một cái tablet để vừa gọi điện, vừa giải trí, vừa có thể làm việc được hoặc dùng smart phone để gọi điện, dùng tablet để giải trí, dùng laptop để làm việc nhẹ nhàng, và có thêm một em workstation hai màn hình 24 inch để làm BIM. Bạn chọn phương án nào đây?

Để thực hiện BIM, bạn cũng cần lựa chọn một hệ sinh thái phần mềm với mỗi sản phẩm trong đó phù hợp với một đặc thù của dự án. Việc của bạn là đảm bảo cho mô hình BIM được tương thích và chuyển đổi trơn tru trong hệ sinh thái này.

Hình minh họa một ecosystem phần mềm. Nguồn:https://parametricmonkey.com/2016/06/20/bim-ecosystem/

Cuối cùng, ngoài những thử thách đã đề cập trên đây, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, đặt mục tiêu quá cao so với thực lực trong việc thực hiện BIM cũng sẽ dẫn tới việc đuối sức và mất phương hướng trong cuộc đua. Như ông bà ta hay nói “Trèo cao thì té đau”, một thành ngữ bất hủ, bất chấp thời gian cũng như đối tượng. Bị dụ dỗ hay thúc ép từ các đồng nghiệp “máu me” hoặc các bậc tiền bối đáng kính, mà triển khai BIM vội vàng mà thiếu đánh giá thực lực hoặc chuẩn bị nguồn lực đầy đủ thì thất bại sẽ luôn là người bạn đồng hành thân thiết của doanh nghiệp của bạn. Cho nên hãy cẩn thận và tỉnh táo!

Trong giới hạn về thời gian và phạm vi, bài viết sẽ không thể liệt kê hết tất cả các thử thách trong quá trình triển khai BIM. Nếu bạn hoặc công ty của bạn gặp phải những khó khăn khác ngoài những nội dung được đề cập trong bài viết này hoặc không đồng ý với điểm nào trong bài, xin vui lòng bổ sung giúp bằng cách comment bên dưới hoặc gửi email cho tôi tại địa chỉ nhtrangnguyen@gmail.com. Rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp và phản biện của các bạn. Xin cảm ơn.

Trang Nguyễn

Nguồn: Linkedin BIM Manager Trang Nguyễn