Hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, BIM xuất hiện như một thuật ngữ mới và được khá nhiều người nhắc đến trong ngành xây dựng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ chính xác khái niệm BIM là gì và cách thức hoạt động của nó ra sao? Trong bài viết dưới đây, Mark Vaughan – một kỹ thuật viên kiến trúc cấp cao, sẽ giải thích rõ và cụ thể hơn về khái niệm cũng như vai trò của BIM đối với ngành xây dựng.
Building Information Modelling – BIM
BIM có thể xem như “ngọn hải đăng” bao quát mọi quá trình xây dựng – từ thiết kế, chuyển giao và quản lý, vận hành.
Nếu như bạn tìm hiểu định nghĩa của BIM trên Internet, hàng loạt kết quả hiện ra nhưng đại ý “BIM là tiến trình tạo lập và sử dụng mô hình kỹ thuật số để quản lý, khai thác từng bộ phận được sử dụng trong dự án và chức năng của chúng.” Tuy nhiên, nói một cách đơn giản thì BIM là gì?
Có một sự nhầm lẫn lớn trong cách nhìn của mọi người về BIM, đó là ta chỉ nghĩ đơn giản BIM là mô hình ba chiều trình bày phối cảnh của công trình. Tuy nhiên, tiềm năng của BIM không chỉ dừng lại ở mô hình 3D, mà nó còn có thể tiến xa hơn nữa với phần mềm có môi trường 5D để xuất thông tin ra môi trường đó.
Thông thường người ta thường sử dụng mô hình 2D truyền thống để thể hiện thiết kế của công trình. Còn cách thức hoạt động BIM thì không đơn giản là chỉ sử dụng bản vẽ 2D mà còn kết hợp với việc sử dụng các bảng dữ liệu kỹ thuật, thông số kỹ thuật, tiến độ, báo cáo… Mục đích chính của BIM là tổng hợp, thống nhất tất cả các thông tin trên và đưa vào một môi trường ảo, hay còn gọi là “Building Database” – Cơ Sở Dữ Liệu công trình.
Lợi ích lớn của BIM chính là hỗ trợ cho toàn bộ vòng đời công trình từ thiết kế – thi công và cả sau khi nghiệm thu, bàn giao, cho tất cả các bên hữu quan. Có thể kể đến:
Các nhà đầu tư
- Chuyển tải thông tin, quy tắc, mong muốn, và ràng buộc cho tư vấn thiết kế thuận lợi hơn, từ đó kiểm soát thiết kế tốt hơn;
- Kiểm soát tiến trình tốt hơn nhờ các báo cáo và số liệu được cập nhật thường xuyên;
- Thiết kế dễ hình dung hơn;
- Nhận được công trình có sẵn nhiều thông tin để khai thác, sử dụng.
Tư vấn Thiết Kế
- Cộng tác và phối hợp làm việc hiệu quả hơn;
- Đưa ra nhiều lựa chọn cho các phương án thiết kế trong một thời gian ngắn;
- Phối hợp toàn diện giữa các bộ môn (đặc biệt là chức năng phát hiện xung đột);
- Cung cấp thông tin chi tiết hơn cho từng loại nguyên vật liệu và từng cấu kiện sử dụng trong công trình
- Cung cấp mô hình trực quan có tính chính xác cao một cách nhanh chóng và ở mọi thời điểm của dự án;
- Quá trình lập tiến độ thông minh giúp báo cáo kịp thời và chính xác;
- Giảm đáng kể mức độ sai sót khi thiết kế
Nhà Thầu thi công
- Cung cấp cho chủ đầu tư những con số chi phí sát thực hơn;
- Bảo đảm lợi nhuận nhờ tính toán chính xác hơn;
- Xây dựng và phát triển chiến lược theo từng giai đoạn và mô phỏng quá trình thi công bao gồm cả việc cung ứng vật tư;
- Sử dụng mô hình BIM để hiểu rõ hơn thiết kế, đặc biệt là những chi tiết vốn khó hình dung khi chỉ đọc bản vẽ 2D;
- Cải thiện năng suất nhờ việc chuyển sản xuất trên công trường vào nhà máy (off-site construction);
- Giảm thiểu lãng phí;
- Thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro của dự án qua các hình thức mô phỏng;
- Giảm thiểu sai sót thông qua giảm thay đổi yêu cầu cũng như phát hiện xung đột;
Tổng kết lại, BIM giúp các bên tham gia vào toàn bộ vòng đời của dự án ( nhà tài trợ dự án, kiến trúc sư, nhà thầu…) có thể hình dung và lập kế hoạch giai đoạn chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư tốt hơn nhờ việc cung cấp đầy đủ các thông tin về tổng thể cũng như các bộ phận của công trình từ hình dạng, kích thước, cho đến các cấu tạo vật liệu khác. Ngoài ra, nhờ mô hình BIM người ta có thể lường trước được các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai như việc chồng chéo mặt trận công tác và đưa ra các giải pháp hợp lý trước khi các công việc được tiến hành. Cuối cùng, việc cung cấp một mô hình thông tin công trình – BIM không những giúp tất cả các bên liên quan đến dự án xây dựng có thể dễ hình dung và khái quát hình dáng công trình trong tương lai tốt hơn, mà còn giúp cho việc quản lý, vận hành cả công trình ngay cả sau khi đã hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư.
Nguồn dịch: http://bsbgulf.com/blog/what-is-bim/
Người dịch: Hoàng Bảo Ngọc – 60KTE