Ngày 28/9/2017 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng và Autodesk đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) để phối hợp hướng tới mục tiêu thực hiện áp dụng Mô hình Thông tin Xây dựng (BIM) rộng rãi vào năm 2021 tại Việt Nam.
Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo BIM sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Autodesk trong thực hiện kế hoạch nâng cao nhận thức và ứng dụng mô hình BIM trong các hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo nội dung công việc thực hiện tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Xây dựng.
Autodesk sẽ cung cấp các thông tin về thông lệ ứng dụng mô hình BIM tiêu biểu nhất trên thế giới, tận dụng kinh nghiệm hợp tác với chính phủ các nước trên thế giới trong việc thực hiện chỉ đạo và yêu cầu áp dụng BIM hiệu quả và thành công. Ông Daniel Green, giám đốc điều hành quan hệ chính phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Autodesk, cũng là thành viên Tổ Chuyên gia cố vấn cho Ban chỉ đạo BIM.
Ông Daniel Green – Giám đốc phụ trách khối chính phủ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Autodesk trình bày tại sự kiện
Ban chỉ đạo BIM, đứng đầu bởi thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, bao gồm 14 đại diện từ Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Áp dụng rộng rãi mô hình BIM trong toàn ngành nhằm thúc đẩy năng suất và chất lượng, nâng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam lên tầm quốc tế. |
“Sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa với việc triển khai áp dụng BIM. Triển khai áp dụng BIM thành công cần bắt đầu từ khung chương trình, công nghệ và kế hoạch đào tạo phù hợp,” ông Daniel Green, Giám đốc quan hệ chính phủ phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của công ty Autodesk, cho biết. “Chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều quốc gia trong tiến trình này và cam kết sẽ giúp đỡ Ban chỉ đạo BIM của Việt Nam đạt được mục tiêu”.
Mô hình thông tin công trình (BIM) sẽ cung cấp cho các chuyên gia trong ngành Kiến trúc, Kỹ thuật và Xây dựng (AEC) Việt Nam những kỹ năng và công cụ cần thiết để thiết kế, thi công và vận hành các công trình qua tạo lập và sử dụng mô hình 3D “thông minh”. Ban chỉ đạo BIM cùng với sự hỗ trợ của Autodesk, sẽ giám sát việc thực hiện công việc trong 3 giai đoạn chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
2017 – 2019: Nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng BIM
Khảo sát và đánh giá tình trạng đầu tư xây dựng hiện tại, quản lý vận hành các công trình ở Việt Nam và xây dựng các hướng dẫn tạm thời cho việc thực hiện thí điểm mô hình BIM.
Xây dựng chương trình khung và các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng BIM cho các buổi đào tạo, hội thảo và trao đổi kiến thức nhằm nâng cao khả năng ứng dụng BIM của các nhà thầu xây dựng, quản lý dự án, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn.
Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý trong đầu tư trong xây dựng, quản lý chất lượng và bảo trì công trình theo tiêu chuẩn BIM.
2018 – 2020: Triển khai và đánh giá mô hình BIM trong các dự án thí điểm
Áp dụng hướng dẫn BIM tạm thời trong tối thiểu 20 công trình từ cấp I trở lên trong thiết kế, xây dựng và quản lý dự án, đồng thời trong tối thiểu 10 dự án ở giai đoạn quản lý vận hành công trình.
Cung cấp những hướng dẫn cần thiết cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các công ty tư vấn, nhà thầu xây dựng, giúp họ vượt qua những khó khăn thách thức trong quá trình áp dụng BIM
Giám sát và đánh giá công tác áp dụng thí điểm để hỗ trợ xây dựng hướng dẫn BIM chính thức.
Từ năm 2021 trở đi: áp dụng rộng rãi
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư, Hướng dẫn cụ thể áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Việc áp dụng BIM trong ngành xây dựng sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, đây cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng. Việc phối hợp với Autodesk, một công ty có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các Chính phủ trong việc triển khai BIM sẽ giúp cho việc thực hiện Đề án được thuận lợi đạt được mục tiêu như định hướng của Thủ tướng.
Một số ví dụ trong việc áp dụng BIM mà Autodesk đã hỗ trợ gần đây: Singapore Singapore là quốc gia đã yêu cầu áp dụng rộng rãi ứng dụng BIM trong ngành công nghiệp xây dựng, đồng thời thực hiện đệ trình điện tử BIM e-submissions đầu tiên trên thế giới. Từ năm 2015, đệ trình điện tử BIM đã được yêu cầu triển khai tại tất cả các dự án lớn hơn 5000 mét vuông. Hàn Quốc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã cung cấp 5.8 triệu đô la trong vòng 3 năm để xây dựng công nghê thông tin và những tiêu chuẩn thiết kế xây dựng dựa theo mô hình BIM. Từ năm 2016, Trung tâm mua sắm công tập trung (Public Procurement Service) đã phổ cập công nghệ BIM trong tất cả các dự án công trên 50 triệu đô la. Autodesk đang làm việc với những đối tác khác để phát triển thư viện dữ liệu phong phú như một phần của tiêu chuẩn BIM. Vương quốc Anh Vào năm 2011, Nhóm nhiệm vụ BIM (BIM Task Group) được thành lập để điều hành các dự án ở Anh. Năm 2014, tất cả các công trình công mới có giá trị 5 triệu bảng Anh trở lên bắt buộc phải sử dụng BIM. Việc áp dụng BIM cuối cùng trở nên bắt buộc trong tất cả các dự án công từ tháng 4 năm 2016. Đến nay các dự án công được chính phủ tài trợ sẽ phải được thực hiện với mô hình hợp tác 3 chiều BIM. Trung Quốc Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực ứng dụng mô hình BIM trên thế giới, với số lượng các dự án kết hợp BIM được minh chứng và ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp thiết kế, thi công và kỹ thuật. Từ năm 2014, một vài thành phố lớn của Trung Quốc đã lần lượt ban hành chính sách phổ biến mô hình BIM tại địa phương, đồng thời yêu cầu bắt buộc sử dụng công nghệ này trong các dự án công có vốn đầu tư nhà nước và có quy mô lớn. Đầu năm nay, Hội đồng nhà nước Trung QUốc cũng đã ban hành Chỉ đạo Phát triển lành mạnh trong Ngành Xây dựng, nhằm mục đích đẩy mạnh tích hợp mô hình BIM trong quản lý vòng đời của công trình, từ lập kế hoạch, nghiên cứu, thiết kế, thi công và bảo trì, đồng thời nâng cao công tác quản lý thông tin hóa của dự án xây dựng. Với tổng giá trị thị trường lên đến 20 ngàn tỷ năm 2017, Autodesk đang tích cực phối hợp cùng nhiều công ty AEC và các cơ quan chính phủ của Trung quốc nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và chính sách liên quan đến mô hình BIM, đồng thời quảng bá quy trình thông tin hóa trong toàn bộ ngành AEC với các mô hình như BIM+VR, BIM+IoT, … |
Về Autodesk Autodesk cung cấp phần mềm cho mọi đối tượng người dùng để sáng tạo ra sản phẩm. Một mẫu xe vận hành cao, một tòa nhà chọc trời, điện thoại thông minh hay một bộ phim đều rất có thể được tạo ra bởi hàng triệu người đang sử dụng phần mềm của Autodesk. Autodesk mang đến sức mạnh để tạo ra mọi thứ. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập www.autodesk.com |