Phần 3: Các rào cản cho trào lưu BIM

Mô hình thông tin công trình BIM đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng và các công ty đang ngày càng nhận ra giá trị của BIM trong sản xuất xây dựng. Tại Việt Nam cũng như mọi nơi trên thế giới, BIM hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề tốt hơn, giao tiếp hiệu quả hơn và xây dựng dự án nhanh hơn với chi phi hiệu quả hơn. Từ giai đoạn phác họa ban đầu cho đến thiết kế, xây dựng và xuyên suốt vòng đời dự án, BIM đảm bảo việc ra quyết định tốt hơn.

BIM là một công nghệ và cũng là quá trình hoàn toàn khác biệt so với thực tế thiết kế truyền thống. Việc quyết định áp dụng BIM vào dự án hay tổ chức đều là một quyết định đầu tư khó khăn khi cần cân nhắc các yếu tố như con người, chi phí hạ tầng, chi phí phần mềm, tái cơ cấu bộ máy…

Tiếp nối phần 1phần 2 của loạt bài “Kỷ nguyên BIM”, bài viết sau sẽ chỉ ra một số rào cản lớn cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam khi muốn triển khai BIM trên quy mô lớn.

1. Thiếu chuyên môn

Khi tiến hành điều tra khảo sát, rất nhiều các công ty xây dựng đã có những báo cáo khác nhau về thách thức và rào cản mà họ phải đối mặt trong khi kết hợp BIM. BIM còn khá mới mẻ so với nhiều người, và họ sẽ gặp nhiều vướng mắc khi triển khai. BIM đã được hiểu theo những chiều hướng phức tạp hơn. Tuy nhiên, thách thức khó khăn nhất là thiếu năng lực. Những người trong ngành xây dựng thiếu các kiến thức chuyên môn và kiến thức để thực hiện khái niệm mới này.
Các khó khăn đến từ việc phối hợp và thích nghi với các tiêu chuẩn xây dựng toàn cầu. Các tổ chức, doanh nghiệp phải:

— Nghiên cứu và học các phần mềm mới phù hợp với phối hợp trong quá trình thi công và hoàn công
Khi bắt đầu tích hợp các ứng dụng BIM từ giai đoạn thiết kế sang chuẩn bị thi công và theo dõi trong quá trình thi công, chúng tôi phải tiếp cận với nhóm các phần mềm mới trong chuỗi phần mềm BIM phục vụ công việc phối hợp các hệ. Việc tiếp cận phải tự học từ đầu.
Kinh nghiệm cho thấy: phải học rất bài bản, không bỏ sót công cụ và am hiểu sâu hệ thống làm việc của phần mềm. Thực hiện các sản phẩm mẫu đơn lẻ cho đến khi đạt yêu cầu công việc.
Khó khăn bước đầu là làm chủ phần mềm, sau đó đến việc nhận định khả năng ứng dụng để giải quyết công việc thực tế theo yêu cầu.

  •  Phân biệt được các định dạng file dữ liệu khách hàng bàn giao, các ưu và nhược điểm của mỗi dạng, tính tương thích của dữ liệu với hệ thống và khả năng am hiểu của đội
  • Phải nhận định được các bước cần có và thời gian dự kiến cho mỗi dạng công việc mà chúng tôi làm từ đó kiểm soát thời gian triển khai và các chi phí đảm bảo tiến độ , chất lượng công việc.
  •  Học và làm thông qua sai lầm có kiểm soát
  •  Một thuận lợi lớn đó là được làm việc trực tiếp dưới yêu cầu và các tài liệu hướng dẫn của các chuyên gia BIM nhiều kinh nghiệm bên Mỹ, thông qua các dự án thực tế. Tất cả tài liệu và yêu cầu dần dần định hình kiến thức lý thuyết đã nghiên cứu trong thời gian trước đó.
  • Chia sẻ kiến thức cho toàn đội và cùng giải quyết các vướng mắc là yếu tố chính đem lại hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

— Nghiên cứu và tuân thủ các yêu cầu triển khai BIM theo dự án nước ngoài

  •  Đối với việc áp dụng triển khai BIM xuyên chuỗi vòng đời công trình từ giai đoạn này sang giai đoạn khác đòi hỏi phải tuân thủ các hướng dẫn và quy tắc trong việc dựng mô hình và thiết lập các thông tin tham số đính kèm cũng nhau các nguyên tắc khác về quản lý và mục tiêu áp dụng. Với một dự án lớn, áp dụng BIM trên diện rộng và là một phần trong chuỗi dự án đó đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn rất nhiều, nắm được thực tiễn các ứng dụng nào đã được chấp nhận và ứng dụng nào cần thêm thời gian để hoàn thiện.
  • Trở ngại lớn nhất trong giai đoạn này là có quá nhiều quy định và cần thời gian và hợp sức của nhiều người để cùng giải quyết. Từ lúc tiếp cận đến lúc am hiểu và vận dụng được cần một khoảng thời gian dài và hơn hết các kiến thức sâu về công cụ và hệ thống của các phần mềm dựng mô hình, phối hợp cũng như kiến thức áp dụng thực tiễn, các dạng hướng dẫn BIM nước ngoài, các thuật ngữ đã được làm quen sau thời gian dài đã hỗ trợ rất nhiều giúp chúng tôi hiểu và áp dụng được theo yêu cầu.
  • Tư duy về BIM, về ngôn ngữ, thuật ngữ sử dụng trong nghề BIM là kiến thưc không thể thiếu để hiểu và vận dụng, bởi có rất nhiều thuật ngữ và quy trình chưa hề có theo cách truyền thống đang sử dụng hoặc từ có thể dịch tương đương sang ngữ nghĩa Việt Nam

— Áp dụng vào thực tiễn dịch vụ

  •  Khi áp dụng sang các giai đoạn khác trong dự án và làm việc với công trình có quy mô và độ phức tạp cao hơn một điều nhận thấy là hạ tầng hệ thống IT cần phải được nâng cấp và thay đổi.
    + Khó khăn xuất hiện khi vận hành một hệ thống BIM đạt hiệu suất cao đòi hỏi kiến thức thực tế về khả năng đáp ứng của phần cứng máy tính và hạ tầng mạng.
    + Tuy nhiên với thực tiễn trải nghiệm sản xuất và hỗ trợ của IT việc nâng cấp máy và bổ sung cấu hình rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
  •  Quy trình kiểm soát tiến độ thực hiện và kiểm tra chất lượng sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng. Có sự khác biệt trong cách kiểm tra dữ liệu khi áp dụng BIM, khó khăn xuất hiện khi phải vừa làm vừa tuân thủ các hướng dẫn kiểm tra với độ sai số thấp. Tuy nhiên dần dần mọi người đều làm chủ được quy trình và cách làm hiệu quả.
  •  Cải tiến liên tục cách làm từ lúc nhận dữ liệu đến khi bàn giao sản phẩm là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi nhân sự phải tuyệt đối tuân thủ quy trình tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Sau mỗi việc hoàn thành việc đánh giá rút kinh nghiệm và đúc kết các bài học bổ sung vào quy trình cũng là yêu cầu bắt buộc để hạn chế sai sót và là một cách để đào tạo ý thức trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm bàn giao
  •  Khi áp dụng BIM vào các dự án ở Việt Nam trong giai đoạn này chúng tôi tiếp tục gặp phải các vấn đề tương tự như hồi đầu phát triển BIM cho thiết kế.
    + Đó là các câu hỏi về tính phổ biến của giải pháp giữa cách làm của chúng tôi và các thành viên khác trong dự án, đây là cản trở khiến các bên không muốn làm hoặc chỉ áp dụng ở các góc độ mà sức con người không thể làm tốt được như: kiểm soát va chạm vật lý và quan sát trực quan phát hiện lỗi.
    + Những phần việc nào mà con người vẫn làm được theo cách truyền thống thì đều được sử dụng như: bản vẽ chi tiết thi công (shopdrawing hoặc và các phương thức giao tiếp dữ liệu phổ biến như gửi định dạng dữ liệu qua email)
    + Đó là tính chính xác về kết quả ứng dụng từ phần mềm xuất ra như: khối lượng vẫn chưa được kiểm chứng và không có ý định kiểm chứng.
    + Tính pháp lý khi nghiệm thu, thanh lý khối lượng và quyết toán chưa có, vì vậy phần ứng dụng này gần như không được quan tâm.
    + Các đơn vị khác khi áp dụng vẫn dừng ở mức am hiểu về tạo lập và sử dụng mô hình trong một giai đoạn dự án: thiết kế, do đó việc áp dụng sang giai đoạn khác gây ra nhiều khó khăn vì tính chính xác và cách thể hiện của mô hình cũ. Đây cũng là trở ngại thực tế làm cho việc triển khai kéo dài thời gian hơn dự kiến.

2. Ngại thay đổi

Để kết hợp BIM, một cách thức làm việc cởi mở thực sự cần thiết giữa các bên liên quan của dự án.

Trong ngành xây dựng, nơi các nhà quản lý dự án dành phần lớn thời gian ngoài công trường và làm việc theo cách của họ. Tuy nhiên trong trường hợp áp dụng BIM, những người quản lý dự án cần phải tuân theo các hướng dẫn và quy trình nghiêm ngặt. Đây cũng là một trong những thách thức đối với các công ty mới dùng BIM tại Việt Nam.

Đặc biệt, những nghiên cứu về hành vi tổ chức gần đây cho thấy các tổ chức và các cá nhân trong tổ chức thường cản trở việc thay đổi của chính mình. Ở mức độ nhất định thì sự cản trở việc thay đổi tổ chức là tích cực vì nó cho phép tạo ra mức độ ổn định và đoán biết được hành vi của mọi người. Nếu không có một số sự cản trở thì hành vi tổ chức sẽ xuất hiện những xáo trộn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sự cản trở cũng có thể là nguồn gốc gây ra những xung đột trong tổ chức.
Sự cản trở thay đổi của hiện trạng được thể hiện dưới ba hình thức “công khai cản trở thay đổi”, “cản trở thay đổi ngay tức thì” và “cản trở thay đổi chậm”. Khi cản trở thay đổi một cách công khai, chẳng hạn như sự phản ứng ngay tức thì của người lao động như lời phàn nàn, làm việc với tốc độ chậm lại…, thì nhà quản lý dễ dàng có biện pháp điều chỉnh hay giải quyết. Nếu cản trở sự thay đổi diễn ra chậm và không công khai thì gây khó khăn cho các nhà quản lý. Chẳng hạn như sự chống đối ngầm, sự mất trung thành với tổ chức, không có động lực làm việc, vắng mặt không có lý do.

3. Quản lý thông tin

Một thách thức khác mà các công ty phải đối mặt là việc quản lý thông tin trong quá trình thực hiện BIM:

Công ty phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp và thầu phụ cũng phải nắm được cách thức trao đổi thông tin (protocol) và tuân thủ đúng các nguyên tắc thực hiện. Sự tham gia của các bên như nhà cung cấp và nhà thầu phụ sẽ dẫn đến việc phải quản lý nhiều thông tin hơn. Do vậy các đơn vị cần sáng suốt lựa chọn những đối tác giàu kinh nghiệm để hỗ trợ về trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực.

4. Chi phí phát sinh

Chi phí phần mềm BIM và sự không tương thích với các phần mềm khác cũng là rào cản mà các công ty cần phải lường trước khi chọn BIM. Những thách thức như lỗi phần mềm hoặc các phương thức lập mô hình không chính xác do thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng mô hình 3D.

Không kém phần quan trọng, các công ty đang triển khai BIM cần phải thay đổi quy trình, cách thức làm việc. Để thực hiện những sự thay đổi cần thiết này, chi phí sẽ bị phát sinh. Và các công ty đang ngày một băn khoăn, lo lắng nhiều hơn về chi phí khi thực hiện BIM.

BIM cần được nhìn nhận từ quan điểm của giá trị gia tăng. Việc triển khai BIM kèm các phần mềm BIM sẽ gây ra sự thay đổi trong ngành công nghiệp xây dựng. Tuy nhiên lợi ích về lâu dài, đặc biệt khi tính toán trên cả vòng đời dự án, là không thể chối cãi được.