Author: Bao Ngoc Nguyen
Produced on 21st October 2018 for NUCE bimteam
ĐỊNH NGHĨA MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA BIM
Mô hình các mức độ phát triển của BIM mô tả mức độ trưởng thành liên quan đến khả năng của chuỗi cung ứng xây dựng để vận hành và trao đổi thông tin.
Các cấp độ phát triển BIM được áp dụng cho toàn bộ kịch bản dự án, tuy nhiên, công ty có thể tự xưng là đang hoạt động ở Cấp 2 nhưng chỉ có thể hoạt động ở Cấp 1 là điều rất bình thường khi các công ty hoặc tổ chức trưởng thành trong các khoảng thời gian rất khác nhau.
Có nhiều cấp độ khác nhau về cộng tác chia sẻ trong một dự án xây dựng. Chúng được gọi là mức độ trưởng thành của BIM. Khi chúng ta càng lên các cấp cao, sự hợp tác giữa các bên khác nhau sẽ gia tăng. Hiện tại, có bốn mức độ phát triển BIM riêng biệt như sau:
Cấp độ 0: vẫn sử dụng công cụ là bản vẽ giấy 2D và hồ sơ giấy để quản lý thông tin dự án; Cấp độ 1: đã sử dụng các phần mềm BIM (ví dụ Revit) để tạo các mô hình 3D tuy nhiên vẫn chưa thống nhất được thư viện mẫu vật liệu, cấu kiện, các bảng biểu trình bày.
Lúc này nhà nước đã ban hành được các hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM sơ bộ cho ngành dân dụng; Cấp độ 2: đã phát triển được thư viện mẫu kỹ thuật số để phối hợp và quản lý hồ sơ dự án. Nhà nước hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn BIM cho các ngành khác ngoài dân dụng như cầu đường, hạ tầng, quản lý cơ sở vật chất; Cấp độ 3: thống nhất được thư viện, dữ liệu, quy trình, tiêu chuẩn BIM. Lúc này dữ liệu được tích hợp và tương tác ổn định qua các môi trường BIM khác nhau (ví dụ từ Revit qua Tekla). Các dịch vụ BIM đã được đưa lên Website để lưu trữ và trao đổi thông tin giữa các bên.
MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA BIM TRÊN THẾ GIỚI
Các nghiên cứu về BIM phần lớn dựa vào mô hình “BIM maturity” của Bew và Richards [1] để đánh giá mức độ trưởng thành của BIM trên từng quốc gia và tổ chức (Hình 1). Theo cách phân loại này thì các nước tiên tiến trên thế giới đang thực hành BIM ở 3 cấp độ: tốp đầu gồm Anh và Singapore hiện đang ở cấp độ 2-những quốc gia này đã có tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn BIM và bắt buộc làm BIM ở nhiều hạng mục dự án. Tiếp theo sau là Mỹ, Úc và các nước Châu Âu đang ở giữa cấp độ 1 và 2. Những nước này dù đã xây dựng được tiêu chuẩn BIM nhưng chính phủ vẫn chưa thực sự mạnh tay bắt buộc dùng BIM rộng rãi [2].
Nhóm thứ ba là các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất-UAE và một số nước châu Á phát triển như Trung Quốc, Malaysia hiện đang ở cấp độ 1. Họ đã xây dựng được bộ khung tiêu chuẩn cho mình nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thêm.
Hình 1. Mô hình các mức độ phát triển củaBIM theo Bew và Richards
Nguồn: Trích của [1]
MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA BIM TẠI VƯƠNG QUỐC ANH
Sau cuộc khủng hoảng xây dựng và bất động sản thời kỳ 2007-2010, Chính phủ Anh quyết định “cân nhắc lại” về ngành xây dựng, muốn ngành hiệu quả hơn, và một trong những ưu tiên là áp dụng công nghệ thông tin. Vì lý do đó, Vương quốc Anh thành lập Nhóm làm việc về BIM – BIM Task Group. Nhiệm vụ là xây dựng các tiêu chuẩn để hướng dẫn sử dụng BIM cho các bên liên quan biết cụ thể BIM là gì, quyền lợi và nghĩa vụ của mình là gì trong quy trình BIM. Mục đích là để tránh việc mỗi người làm một kiểu và không biết “bến bờ” của BIM là đâu.
Vương quốc Anh giai đoạn đó đã đặt ra mốc tháng 4/2016 thì các dự án công phải đạt được BIM Level 2. Các tiêu chí chính là kỹ thuật sử dụng (technical), mức độ cộng tác các bên (collaborative working), tính tương thích dữ liệu (interoperable data). BIM level 2 nôm na là hợp tác giữa các bên diễn ra một cách mạnh mẽ và thực chất hơn, mà để làm được điều đó thì dữ liệu cần được tổ chức tốt hơn. BIM Level 2 đòi hỏi sự cộng tác của rất nhiều bên, rất nhiều bộ môn và trong suốt một thời gian rất dài. Về cơ bản, để đạt được BIM Level 2 thì cần thỏa mãn các yêu cầu sau:
Các bộ môn phải sử dụng các phần mềm BIM để tạo mô hình, duy trì và sửa đổi nó trong quá trình BIM. Phần mềm BIM không nhất thiết phải giống nhau. Ví dụ kiến trúc sư sử dụng ArchiCAD, kết cấu sử dụng Revit Structure. Hệ thống kỹ thuật (MEP) có thể dùng Autocad MEP.
Các mô hình phải giao tiếp được với nhau, hoặc trực tiếp với nhau hoặc bắc cầu qua phần mềm thứ 3 thông qua sự liên hiệp mô hình (model federation)
Sau khi kết hợp các mô hình riêng lẻ lại với nhau trong một mô hình liên hiệp (federated model), các phần mềm này cho phép xuất mô hình liên hiệp thành một file khác mà file này cần đảm bảo giữ dữ liệu hình học đi kèm ban đầu. Trong tiêu chuẩn PAS 1192-2, các file xuất ra từ mô hình liên hiệp được gọi là sự biểu diễn mô hình (model rendition) [3].
Đấy là về thông tin hình học, còn các dữ liệu phi hình học sẽ được quản lý bởi một hệ thống gọi là Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning – ERP). Một phần mềm ERP cho phép tích hợp phần lớn các chức năng của một tổ chức hoặc doanh nghiệp vào một hệ thống duy nhất. Vì dụ thay vì sử dụng các phần mềm kế toán, nhân sự, tiền lượng, quản trị sản xuất song song, độc lập với nhau thì ERP gom tất cả lại vào chung một gói phần mềm (suite) với nhiều chức năng. Lợi ích lớn nhất của ERP là các chức năng sẽ phát huy tác dụng trên cùng một cơ sở dữ liệu (tài nguyên công ty).
MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA BIM TẠI VIỆT NAM
Dùng mô hình Bew và Richards để phân loại thì sơ bộ có thể nói Việt Nam còn chưa bước vào cấp độ 1. Hiện nhà nước chỉ đang dừng ở mức nghiên cứu phát triển lộ trình BIM mà thôi. Tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường BIM nội địa cũng rất sôi động khi các doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ vào các dự án của mình dù chưa có văn bản hướng dẫn chính thức từ Chính phủ. Do vậy, báo cáo này đề xuất cách đánh giá “BIM maturity” của Succar [4], theo đó, sự trưởng thành BIM sẽ dựa vào các sản phẩm “BIM” mà các đơn vị có khả năng tạo ra và mức độ phối hợp làm việc giữa các bên (Hình 2).
Hình 2. Các mức độ phát triển của BIM theoSuccar
ở Việt Nam, BIM đang ở cuối giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xây dựng có thể triển khai dựng mô hình 3D cho các bộ môn riêng lẻ (kiến trúc, kết cấu, cơ điện) và có thể phối hợp kiểm tra xung đột giữa các bộ môn bằng các công cụ BIM (Revit và Navisworks). Tuy thế ta vẫn chưa thể tiến xa hơn vì chưa xây dựng được chuẩn CDE, dẫn đến sự trao đổi thông tin giữa các công cụ BIM khác nhau chưa được thông suốt (interoperable exchange). Tức là thông tin trong mô hình có thể mất mát hoặc sai khác khi được chuyển qua các hệ sinh thái BIM khác nhau (chẳng hạn từ ArchiCad sang Tekla). Thị trường Việt Nam phần lớn vẫn quen sử dụng hệ sinh thái Autodesk (Revit, Navisworks) nên vấn đề trao đổi thông tin trong nội địa (interchange) vẫn ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu không chú ý phát triển CDE, BIM Việt Nam sẽ bị bó hẹp khi không thể giao lưu được với bên ngoài [2].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bew, M and Richards, M (2008), BIM maturity model, Construct IT Autumn 2008 Members’ Meeting. Brighton, UK.
2. Trang, Nguyen Nhu (2018), “Cách thức phối hợp BIM trong các dự án nhà cao tầng: Khảo sát các công ty xây dựng lớn ở miền Nam“, Journal of Science and Technology in Civil Engineering (STCE)-NUCE. 12(1), pp. 11-21.
3. TAL, Mr (2016), BIM cho người mới học, Editor^Editors, ketcau.com.
4. Succar, Bilal (2009), “Building information modelling framework: A research and delivery foundation for industry stakeholders“, Automation in construction. 18(3), pp. 357-375.